Tiếng Việt | English

23/09/2023 - 20:20

Long An: Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, kinh doanh thuốc qua các mạng xã hội  

Đây là tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Long An tại văn bản số 7989 /UBND-VHXH gửi các thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Long An (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh); các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và chính quyền các địa phương trong tỉnh.

Ảnh minh họa internet

Theo UBND tỉnh Long An, trong thời gian qua, một số phương tiện truyền thông phản ánh tình trạng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh một số người nổi tiếng, sử dụng các danh hiệu như “nhà thuốc gia truyền”, “danh y”, “thần y” để quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc để điều trị các bệnh mãn tính (như xương khớp, huyết áp, tiểu đường, bệnh về mắt,...) trên các mạng xã hội, mặc dù các sản phẩm này chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.

UBND tỉnh khẳng định, việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm này gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định tại Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016.

Nhằm bảo vệ hiệu quả sức khỏe của nhân dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Long An yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải thuốc; quảng cáo thuốc chưa được phép lưu hành; quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung. Xử lý nghiêm theo quy định đối với các trang mạng xã hội như facebook, tiktok, twitter..., các nền tảng quảng cáo trên google ads như youtube, coccoc, chrome,... và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo.

Rà soát, quản lý điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm bảo đảm khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm; tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

Sở Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm này. Có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc thông tin, quảng cáo sai sự thật về sản phẩm. Xử lý nghiêm theo quy định các sàn giao dịch thương mại điện tử vi phạm.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về quảng cáo; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo thuốc chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.

Đặc biệt, Sở Y tế phối hợp các ngành chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền phổ biến cho người dân về tác hại của việc tự mua thuốc điều trị bệnh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được cơ quan chức năng cho phép lưu hành; tuyên truyền, vận động người dân đến khám bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế, mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh thuốc đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc.

Ngành Y tế chủ động nắm bắt các thông tin về việc sản xuất, mua bán, quảng cáo thuốc không đúng quy định trên các mạng xã hội và qua phản ảnh của các phương tiện thông tin truyền thông; phối hợp các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý nghiêm các vi phạm trên địa bàn.

Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định hiện hành để người dân tránh mua phải các thuốc chưa được phép lưu hành, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích