Tiếng Việt | English

29/10/2020 - 19:10

Bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm. Vì vậy, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh chính là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người tiêu dùng.

Kiểm soát các nguy cơ

Hàng năm, Đoàn kiểm tra chuyên ngành ATTP của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế. Trong quá trình kiểm tra, đoàn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP nhằm nâng cao ý thức của nhà sản xuất, kinh doanh và tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu đánh giá về vi sinh, hóa học theo quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nếu có nghi ngờ về sản phẩm. Ngoài ra, hàng năm, Chi cục ATVSTP còn mua mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm theo hướng dẫn của Cục ATTP. Đây là hoạt động nhằm kiểm soát và hạn chế nguy cơ mất ATTP từ việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Lấy mẫu kiểm nghiệm

Tháp tùng theo đoàn kiểm tra, phóng viên nhận thấy, tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh sản xuất nước đá viên và nước đá cây của anh Nguyễn Văn Tuấn (ấp Gò Thuyền, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng) có hồ sơ khám sức khỏe, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, có kết quả kiểm nghiệm nguồn nước sử dụng sản xuất và kiểm nghiệm thành phẩm của sản phẩm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Cơ sở chú trọng thực hiện sát khuẩn tay, mang khẩu trang khi sản xuất, vận chuyển; có chuẩn bị dụng cụ bảo hộ lao động đầy đủ cho công nhân, lao động.

Anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Cơ sở của tôi sản xuất nước đá viên và đá cây từ năm 2013 đến nay. Sản phẩm nước đá của tôi cung cấp cho các đại lý trên địa bàn thị trấn Tân Hưng. Dù là hộ kinh doanh nhỏ nhưng tôi chú trọng đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu và quan tâm xử lý nguồn nước nhằm bảo đảm quy định của Nhà nước về ATTP cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.

Việc sản xuất và cung cấp nước uống đóng chai bảo đảm chất lượng đóng vai trò quan trọng

Công ty TNHH Sản xuất nước uống đóng chai Khôi Nguyên (phường Tân Khánh, TP.Tân An) xác định việc sản xuất và cung cấp nước uống đóng chai bảo đảm chất lượng đóng vai trò quan trọng. Đại diện Công ty TNHH Sản xuất nước uống đóng chai Khôi Nguyên - Huỳnh Thị Kim Tiền chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và mang bao tay suốt trong quá trình sản xuất. Công ty trang bị hệ thống giàn lọc theo công nghệ của Mỹ. Nguồn nước đầu ra được sục ozone khử trùng tuyệt đối nhằm tạo ra sản phẩm lưu thông trên thị trường có uy tín, chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”.

Chấp hành quy định bảo đảm an toàn thực phẩm

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra ATTP liên ngành, chuyên ngành tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoạt động tại địa phương. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, bảo đảm ATTP, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các quy định điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, bảo quản, vận chuyển và điều kiện về con người tại Điều 19, 20, 21, 22, 25, 26, 27 Luật ATTP và các yêu cầu cụ thể tại khoản 2, Điều 2 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP.

Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, nếu không bố trí quy trình sản xuất theo nguyên tắc một chiều thì bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng;… Và điều kiện con người quy định cụ thể: “Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức ATTP, chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.

Kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh - Đoàn Thanh Chiến cho biết: “Theo quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP khi hoạt động, trừ các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP quy định tại khoản 1, Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đáng chú ý: Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; nhà hàng trong khách sạn; bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm bao gồm bếp ăn tập thể trường học, bếp ăn tập thể doanh nghiệp/công ty đều không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, kể cả cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận: GMP, HACCP, Hệ thống quản lý ATTP ISO 22000,... hoặc tương đương còn hiệu lực. Mặc dù không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng các cơ sở phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP tương ứng”.

Đồng thời, Chính phủ quy định thủ tục công bố sản phẩm tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP: Ngoài các sản phẩm quy định, phải đăng ký bản công bố sản phẩm tại Điều 6 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, các sản phẩm muốn lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện tự công bố sản phẩm, chỉ trừ khi sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm.

Tổ chức, cá nhân thực hiện tự công bố sản phẩm nộp 1 bản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân; còn 1 bản lưu tại cơ sở. Đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế theo quy định tại Phụ lục số 2 của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP nộp hồ sơ tự công bố đến Chi cục ATVSTP. Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.

Ông Đoàn Thanh Chiến cho biết thêm: “Theo quy định sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì tổ chức, cá nhân phải tự công bố lại sản phẩm. Các trường hợp có sự thay đổi khác thì thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và được sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay sau khi gửi thông báo. Ngoài các nội dung đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nêu trên, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần phải chú trọng kể từ ngày 01/7/2019 phải áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP) theo hướng dẫn của Bộ Y tế và thực hiện hồ sơ, trình tự, thẩm quyền cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo Điều 29 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP”.

Yếu tố quyết định bảo đảm thực phẩm lưu thông trên thị trường được an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng đó là sự nâng cao nhận thức về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh, ATTP áp dụng tại cơ sở nhằm đáp ứng điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật ngày càng tốt hơn./.

Trích Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, ngày 04/9/2018 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP:

- Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho bảo quản bị thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc: Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng (điểm b, khoản 5, Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).

- Không có hoặc không đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng phù hợp quy định để rửa, khử trùng tay, vệ sinh cá nhân và trang thiết bị, dụng cụ: Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng (điểm c, khoản 5, Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).

- Không có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng (điểm c, khoản 2, Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).

- Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật: Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng (điểm d, khoản 4, Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).

Ngọc Mận - Tuyết Hằng

Chia sẻ bài viết