Tiếng Việt | English

19/11/2022 - 13:47

Long An tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân  

Tăng cường tiếp cận pháp luật của người dân, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hoá sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Đó là mục đích triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” mà UBND tỉnh Long An vừa ban hành.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Lệ Thị Thu Cúc tư vấn pháp luật lao động cho công nhân. Ảnh: An Nhiên

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ và hiệu quả Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (gọi tắt là Đề án 977) trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện Đề án 977 từ năm 2023 - 2030.  

Để thực hiện Đề án  977, UBND tỉnh vạch ra nhiều nội dung, giải pháp, phân công cụ thể trách nhiệm cho các ngành, các cấp. Trong đó, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Các ngành, các cấp tập trung các hoạt động cung cấp, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng tìm hiểu, khai thác pháp luật bằng các hình thức phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong sinh hoạt cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo đảm điều kiện, hướng dẫn, hỗ trợ người dân các thông tin pháp luật, thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, nhất là trách nhiệm giải trình và công khai, minh bạch các nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân.

Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, các phương tiện, thiết bị phục vụ, công nghệ thông tin bảo đảm cho các hoạt động phục vụ yêu cầu tiếp cận pháp luật của người dân, của các cơ quan, tổ chức.

Tổ chức bình chọn, tôn vinh, khen thưởng công dân gương mẫu, người tốt, việc tốt trong xây dựng, bảo vệ, thực hiện pháp luật; thu hút, biểu dương các sáng kiến hữu ích trong hỗ trợ tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.

Kế hoạch này cũng đề cập đến việc phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” góp phần nâng cao ý thức tự giác và trách nhiệm của mỗi người dân trong thực hiện các quy định của pháp luật, tham gia phòng ngừa vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội,… đưa pháp luật đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết