Tranh Nghĩa sĩ Cần Giuộc công đồn Tây dương đêm 16-12-1861
Long An là tỉnh cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long tiếp giáp với thành phố lớn của cả nước, đồng thời là nơi có bề dày về truyền thống lịch sử.
Ngành khảo cổ học cho biết, từ hàng ngàn năm đã có nền văn hóa cổ; từ thế kỷ thứ V sau công nguyên, nơi đây đã hiện diện nền văn minh Óc Eo. Hơn 300 năm khai cơ mở cõi (nếu tính từ năm 1705 – đi mở xứ Vũng Gù), đây là địa bàn có sự thay đổi về địa danh nhiều nhất so với tất cả các tỉnh Nam bộ. Quá trình chinh phục thiên nhiên và đấu tranh xã hội, con người ở đây sớm phát huy truyền thống thượng võ, dũng cảm và nghĩa hiệp, cần cù và lạc quan, nhạy bén, sáng tạo trong tiếp thu cái mới. Nhìn tổng quan, Long An là một tỉnh đầu mối, luôn có sự giao thoa về nhiều mặt…
Các thế hệ kế tục có quyền tự hào về quá khứ. Trong bề dày lịch sử, từ thế kỷ XVII, đất Long An nay đã là chiến trường, có nhân vật tài danh cả nước như Huỳnh Tường Đức (từng làm Tổng trấn Bắc Thành, Tổng trấn Nam Thành, đứng đầu Phủ Qui Nhơn).
Thế kỷ XVIII, đây là nơi sớm phát triển nghề nông, mảnh đất phèn chua nước mặn dưới bàn tay con người đã sản sinh ra hạt gạo Nàng Thơm danh tiếng. Là địa bàn cửa ngõ thành Gia Định - vùng giao lưu KT-XH của Lục tỉnh từ thời Minh Mạng, thông thương với Cao Miên, Long An từng là nơi có trạm thu thuế Lật Giang (Bến Lức) lớn nhất Nam Kỳ; nơi có nhiều chứng tích về phương thức sản xuất phong kiến và phân hóa xã hội sâu sắc.
Nửa cuối thế kỷ XIX trong cuộc đụng đầu với tư bản phương Tây xâm lược, đất Long An hội tụ 4 phong trào đấu tranh võ trang lớn nhất Nam kỳ: khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương; có gương yêu nước trung liệt như Phan Văn Đạt, Lê Cao Dõng từng khiến vua (Tự Đức) phải khóc và làm thơ ngợi ca; có chiến công Nhựt Tảo “Oanh thiên địa” của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; là nơi Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trên nền trời văn học Việt Nam thời cận đại góp mặt với “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” bất hủ; là quê hương Nguyễn Thông – nhà văn hóa lớn của miền Nam, của Cao Văn Lầu – ông tổ bài Vọng cổ, của Nguyễn An Ninh – “nhà yêu nước vĩ đại” (lời của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), của Trần Văn Giàu, Nguyễn Hữu Thọ và bao người con ưu tú khác.
|
Tượng đài Võ Văn Tần tại ngã tư thị trấn Đức Hòa (khánh thành năm 1995) |
Đặc biệt, Đảng bộ Long An ra đời sớm, sớm vận dụng sáng tạo nguyên lý Mác – Lênin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với phát huy truyền thống dân tộc tốt đẹp ở địa phương. Nêu cao gương tiên phong của người Cộng sản Châu Văn Liêm, năm 1930, Đảng lãnh đạo nhân dân nơi đây làm nên cuộc biểu tình vang dội khắp Nam Kỳ, khiến thực dân Pháp và tay sai phải gọi đây là “khu vực đỏ” của Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1940, Chợ Lớn anh hùng bất khuất với khởi nghĩa Nam kỳ, xứng danh cùng Võ Văn Tần bất tử. Năm 1945, “Tân An đi tiên phong trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền ở Nam bộ” (lời Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu), lưu dấu son vào lịch sử đấu tranh cách mạng và yêu nước.
30 năm chống Pháp và đánh Mỹ, đặc sắc của Long An là phát huy thế trận toàn dân của chiến tranh nhân dân, già-trẻ-trai-gái đánh giặc bằng trăm phương ngàn kế. Đảng xây dựng được căn cứ vững chắc cả trong lòng đất và lòng người, nhờ đó vượt muôn trùng khủng bố và đạn bom khốc liệt, giáng lên đầu thù hàng trăm trận lớn nhỏ, được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nêu gương 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Mọi kẻ thù “đặt thang”, “leo thang” và “xuống thang” ở Long An; Đồng Tháp Mười, vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến, đôi dòng sông Vàm Cỏ trong xanh và bao tên người, tên đất, tên làng xã anh hùng đi vào lịch sử, thơ ca… làm nức lòng đồng bào cả nước, làm kinh hồn quân xâm lược.
Đảng bộ và quân dân Long An dùng trí tuệ, máu xương viết nên sử tích. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nếu tính cả chiến tranh biên giới Tây Nam, quê hương Long An có trên 30.000 liệt sĩ, có hơn 70.000 cán bộ, chiến sĩ nhân dân được Chính phủ khen thưởng, 112 tập thể và 83 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (số liệu năm 2005), và đến nay có 4.151 Bà mẹ chính thức được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vẻ vang “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” – đây từng là con số cao nhất trong các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long – điều đó nói lên vị trí, tiềm năng, sự hy sinh to lớn và nhân tố con người cách mạng quyết định cuộc chiến tranh.
40 năm thời bình, Long An đứng mũi chịu sào, tiếp tục hứng chịu chiến tranh Tây Nam. Là tỉnh giàu tiềm năng nông nghiệp, nhân lực nhưng khó khăn, thiên tai rình rập liên tiếp, cơ sở hạ tầng xuất phát thấp, hậu quả chiến tranh nặng nề. Đảng bộ và nhân dân phải không ngừng tự cường vươn lên trong xây dựng chính quyền, chế độ xã hội mới.
Những năm mới giải phóng, Long An đi đầu phong trào xóa dốt ở miền Nam; cùng cả nước chia sẻ hoàn cảnh “lụt Bắc lụt Nam, máu đầm biên giới, tay chống trời tay giữ nước căng gân”. Nhân dân Long An liên tiếp vượt bão lũ thiên tai (cơn lũ lịch sử năm 1978), vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, góp phần giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bè lũ Pôn – pốt.
Ở thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Long An đi tiên phong trong hành động và tư duy – đó là lãnh đạo và thực hiện cuộc tiến quân khai mở tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười đạt thành tựu to lớn, “có ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại” (lời Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ngày 8-3-2005), đồng thời lãnh đạo đi đầu thực hiện mô hình “một giá” đột phá vào cơ chế tập trung quan liêu cao cấp – những sự kiện này của Long An được xem như “ngòi nổ” của công cuộc chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, những đột phá chưa từng có ở một tỉnh nông nghiệp…
Đi lên từ nghèo nàn lạc hậu, từ hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, Long An năm 1992 trở thành thành viên Câu lạc bộ 11 tỉnh cả nước đạt trên 1 triệu tấn lương thực (và từ năm 1999 đến 2010 liên tục vượt trên 1,5triệu tấn), đã xuất hiện các mô hình cánh đồng mẫu lớn, những tập thể, những cá nhân Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tỉnh có bước tiến lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch phân vùng, mở rộng hợp tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và kết cấu hạ tầng, không ngừng xây dựng củng cố hệ thống chính trị, đấu tranh chống tụt hậu và các nguy cơ.
|
85 năm - kể từ thành lập Đảng, Đảng bộ Long An trải qua 64 lượt Bí thư Tỉnh ủy, 16 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nhiều đồng chí là Bí thư xứ ủy, Bí thư khu ủy, 2 đồng chí trở thành lãnh đạo Nhà nước ở cấp cao nhất… Từ vài đảng viên ở chi bộ đầu tiên năm 1930, Long An ngày nay đã phát triển lên gần 40.000 đảng viên đang lãnh đạo 1,6 triệu dân vững bước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.Với nghị quyết đại hội Đảng bộ lần thứ IX (2011- 2015), Long An tiếp tục thực hiện thắng lợi 4 chương trình đột phá giai đoạn 2011-2015 (phát triển đồng bộ nguồn nhân lực – giải quyết việc làm – giảm nghèo; đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới; huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững); hoàn thành cơ bản 9 công trình trọng điểm. Đến ngưỡng cửa năm 2015, Long An đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,25%, GDP bình quân 50 triệu đồng/người/năm; sản lượng lương thực đạt 2.856.162 tấn, lần đầu tiên xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo; đến cuối nhiệm kỳ có 40/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Với Đại hội X của Đảng bộ tỉnh sắp diễn ra vào cuối nhiệm kỳ và hướng tới Đại hội XII của Đảng, nhất định Đảng bộ Long An sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng Kt-XH, giữ vững ổn định chính trị và biên cương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân theo định hướng đến năm 2020 Long An cơ bản trở thành tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp.
Mấy nét chấm phá về truyền thống lịch sử và đấu tranh yêu nước, đủ cho thấy Long An là vùng đất giàu nội lực tiềm năng và là địa bàn tư liệu lịch sử trọng yếu ở phía Nam, phong phú cả bề rộng và chiều sâu, rất cần sự tìm hiểu, nghiên cứu, kế thừa và phát huy.
Trong chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội, có biết bao vấn đề cần tổng kết, mổ xẻ bằng phương pháp sử học và khoa học liên ngành. Đó cũng chính là lý do để hoạt động khoa học lịch sử ở Long An ra đời, trong đó có lịch sử khảo cổ, lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử chuyên ngành… nhằm tiến tới xây dựng những công trình lịch sử – văn hóa thiết thực, những ấn phẩm sử mang tính giáo dục, có tầm tư tưởng góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân trên chặng đường đổi mới phát triển đất nước./.
Long Thái