Tiếng Việt | English

30/09/2018 - 14:13

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam: Lính Cụ Hồ với bạn bè quốc tế

Tất cả các cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam đều xác định tư tưởng mang trong mình trách nhiệm và bổn phận người lính Cụ Hồ.

Tập thể Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Từ những thành viên tuổi đời còn rất trẻ đến những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong cuộc sống và chuyên môn, tất cả các cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam đều xác định tư tưởng mang trong mình trách nhiệm và bổn phận của người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, người lính Cụ Hồ, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Mặn mà vị đất Mẹ

Sinh năm 1993, Thiếu úy Huỳnh Cẩm Thư, cử nhân xét nghiệm khoa Sinh hóa, Bệnh viện Quân y 175, tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 từ tháng 11/2017. Gần một năm qua là quãng thời gian vô cùng vất vả đối với Thư khi phải học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn lẫn rèn luyện thể lực, luyện tập thể thao, kỹ năng sinh tồn...

Những ngày vất vả, nỗ lực học tập nâng cao trình độ và luyện tập làm việc trong môi trường nắng nóng để làm quen với điều kiện công tác ở Nam Sudan đã giúp cô vượt qua mọi cuộc kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn Liên hợp quốc yêu cầu và chỉ còn chờ đến ngày lên đường làm nhiệm vụ.

Trong hành trang mang theo sang Nam Sudan của cô thiếu úy trẻ có một vật rất đặc biệt, đó là lọ muối của quê hương Tuy Phong, Bình Thuận. Thiếu úy Huỳnh Cẩm Thư tâm sự đây là lọ muối do mẹ gửi cho để mang theo lên đường đi làm nhiệm vụ. Ở quê Thư, muối không chỉ là gia vị, mà còn là một trong những phương thuốc dân gian chữa bệnh đau bụng hay chấn thương. “Riêng với em, vị đặc trưng của muối Hàm Tân trên đất Nam Sudan sẽ là điều để em trân trọng, gợi nhớ quê hương, nhớ mẹ và gia đình,” Huỳnh Cẩm Thư chia sẻ. 

Huỳnh Cẩm Thư cho biết thêm ban đầu khi nhận quyết định tham gia Bệnh viện dã chiến Thư rất háo hức, vui mừng vì được đi học Anh văn, được tiếp xúc môi trường quốc tế. Qua được tất cả các cuộc kiểm tra, biết rằng sắp lên đường, Thư cũng đã có chút lo lắng khi nghĩ tới những ngày xa gia đình, xa những điều thân quen hằng ngày.

Tuy nhiên, sau khi được Ban Giám đốc, Khoa khám bệnh, Hội Phụ nữ của Bệnh viện Dã chiến động viên tinh thần, cô đã hoàn toàn ổn định tư tưởng để sẵn sàng cho những thử thách mới với mục tiêu phấn đấu đi xa để học hỏi, rèn luyện bản lĩnh người nữ chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thiếu úy Huỳnh Cẩm Thư, một trong 10 thành viên nữ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 sẽ tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Lần đầu tiên rời xa gia đình lên đường làm nhiệm vụ, "cậu em áp út” của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, Thiếu úy Nguyễn Thế Anh (23 tuổi) tâm sự, qua câu chuyện của 1 người lính Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình đã khơi dậy trong Thế Anh nguyện vọng, ước mơ được tham gia lực lượng mũ nồi xanh, mang đến sự bình yên cho những vùng đất còn bất ổn. Thật may mắn, sau khi vào làm việc tại bệnh viện 175, Thế Anh đã có cơ hội tham gia Bệnh viện dã chiến và trở thành một trong những thành viên sang nhận nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Thiếu úy trẻ Nguyễn Thế Anh cho biết qua Ban Giám đốc Bệnh viện, các anh chị đi trước và tìm hiểu qua sách báo, Internet, cơ bản Thế Anh đã hiểu và chuẩn bị tinh thần trước những khó khăn khi sang nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan. Thế Anh luôn xác định, là một quân nhân, một chiến sỹ trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam thì mọi khó khăn đều phải vượt qua, cố gắng phấn đấu. "Mình còn trẻ thì càng phải phấn đấu," Thế Anh nói.

Vinh dự khi có con tham gia nhiệm vụ quốc tế, nhất là tại các nước châu Phi, bà Nguyễn Thị Thành, mẹ của Thiếu úy Nguyễn Thế Anh tâm sự: "Mẹ nào thì cũng nhớ, cũng lo lắng khi xa con, nhất là Thế Anh vốn được gia đình đùm bọc từ nhỏ, ít xa gia đình. Nhưng sau khi được Thế Anh chia sẻ về ý nghĩa nhiệm vụ tại Nam Sudan, gia đình đã thấu hiểu, ủng hộ, thậm chí còn động viên để Thế Anh bình tâm lên đường làm nhiệm vụ."

Trước ngày con trai lên đường, bà Nguyễn Thị Thành liên tục dặn dò con “phải đoàn kết với anh em, đồng nghiệp. Con còn trẻ lại mới đứng vào hàng ngũ của Đảng thì phải nỗ lực phấn đấu hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.”

Nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Sắp chia tay gia đình, nhất là cô con gái nhỏ vừa tròn 3 tuổi để lên đường làm nhiệm vụ, Đại úy Nguyễn Quang Tường (31 tuổi, quê Thanh Hóa), công tác tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Quân y 175, nhận nhiệm vụ tại Đội Cấp cứu Hàng không, Bệnh viện dã chiến, tâm sự điều trăn trở là cảm giác xa gia đình, khoảng cách với gia đình, bạn bè, đồng đội. Trong điều kiện thông tin hiện nay, mọi người trong gia đình cũng biết Nam Sudan là một quốc gia còn nhiều khó khăn, bất ổn.

“Tôi làm công tác tư tưởng với vợ, với gia đình để mọi người hiểu rằng, những người lính như chúng tôi có trách nhiệm góp phần giúp cho những vùng đất thiếu an toàn trở nên an toàn hơn. Nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình là phải đem lại hòa bình cho những vùng quê còn bất ổn,” Nguyễn Quang Tường chia sẻ. 

Thành viên trẻ nhất của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, Trung úy Phạm Phú Hải, sinh năm 1995. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Là một trong những người có tuổi và kinh nghiệm nhất trong số các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 sắp sang nhận nhiệm vụ của Liên hợp quốc, "anh cả" - Trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc Bệnh viện, cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai một đơn vị tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 là một đơn vị mới với các thành viên đến từ nhiều đơn vị, cơ quan khác nhau, nên chắc chắn không khỏi có những bỡ ngỡ, khó khăn khi sang đến Nam Sudan. Chính vì vậy, Ban Giám đốc đã chuẩn bị hết sức chu đáo và đảm bảo đến nay, tất cả các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã hoàn toàn ổn định về tâm lý, tư tưởng để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ tại Bentiu, Nam Sudan.

Cũng theo Trung tá Bùi Đức Thành, Ban Giám đốc Bệnh viện đã xác định và quán triệt đến các thành viên của Bệnh viện về cơ hội và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng, giới thiệu hình ảnh người lính Cụ Hồ, Quân đội nhân dân Việt Nam và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, trong thời gian tham gia nhiệm kỳ công tác gìn giữ hòa bình tại Phái bộ Nam Sudan. Vì vậy, trước ngày lên đường, Ban Giám đốc và các cán bộ, chiến sỹ, nhân viên Bệnh viện không chỉ chuẩn bị về tinh thần, mà cả vật chất cho những hoạt động giao lưu hữu nghị và từ thiện cộng đồng tại Nam Sudan như luyện tập các chương trình ca nhạc, thể thao; chuẩn bị cơ số thuốc để sau này xin phép tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho trẻ em, phụ nữ... ở khu vực đơn vị đóng quân.

Báo cáo kết quả quá trình chuẩn bị của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tin tưởng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 sẽ nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Quân đội giao, thực hiện lời dạy của Bác “lương y phải như từ mẫu;” nhanh chóng triển khai lắp đặt trang thiết bị, lều bạt đưa Bệnh viện vào hoạt động trong thời gian sớm nhất; tổ chức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, phục vụ đời sống cho cán bộ nhân viên trong Bệnh viện dã chiến, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng, Hội Phụ nữ và Hội đồng quân nhân; làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, phẩm chất người lính "Bộ đội Cụ Hồ" với bạn bè quốc tế./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết