Tiếng Việt | English

29/06/2022 - 21:10

Ly hôn vì bạo lực gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội, chỗ dựa tinh thần cho mỗi thành viên, nơi để các thành viên được thể hiện, bày tỏ tình yêu thương, sự chia sẻ,... Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường hợp vì tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) mà dẫn đến ly hôn… để lại những hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.

Địa chỉ tin cậy

Một ngày tháng 3/2022, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) - Nguyễn Thị Thanh Vân tiếp một trường hợp cầu cứu vì BLGĐ. Đó là người PN trẻ tên T.N.M.A., ngụ thị trấn Thạnh Hoá. Theo chị M.A., trước đây, chị lập gia đình và cùng chồng sinh sống tại xã Thuận Nghĩa Hòa. Lúc đầu, hai vợ chồng hòa hợp và thương yêu nhau. Sau khi hai đứa con nhỏ chào đời, chồng chị đổi tánh, đổi nết. Anh thường hay la mắng và xúc phạm chị nhưng chị giấu nhẹm với người thân. Sau nhiều lần như vậy, chị thấy mình còn thương chồng và nghĩ phải cho con có một gia đình trọn vẹn nên tiếp tục chung sống. Một hôm, chồng chị thiếu kiềm chế, dùng dao rượt đuổi chị, câu chuyện BLGĐ mới vỡ lở… Chị đến cầu cứu tại Hội LHPNVN xã và được hỗ trợ, tư vấn. Sau đó, chị ly thân và dắt hai đứa con nhỏ về nhà ngoại tạm lánh. Ngày chị đến tìm chị Vân là để được hỗ trợ ly hôn vì chồng chị có dấu hiệu nghiện ma tuý, thường xuyên đến nhà cha mẹ mình gây rối, hăm doạ,…

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Thạnh Hoá - Nguyễn Thị Thanh Vân tư vấn, hướng dẫn cho trường hợp của chị M.A

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết, bản thân là Hội thẩm nhân dân nên trực tiếp tham gia vào quá trình tố tụng tại phiên tòa. Những lần như vậy, chị luôn lắng nghe, bảo đảm tính công bằng khi xét xử và cũng thường tham gia giải quyết những vụ ly hôn liên quan đến BLGĐ. Ở huyện Thạnh Hoá, trung bình 1 năm, chị trực tiếp tư vấn, hướng dẫn hòa giải khoảng vài vụ BLGĐ. Trong đó có những trường hợp xét thấy không còn khả năng hòa giải và quay về bên nhau, chị đành đưa ra lời khuyên buông bỏ… “Riêng trường hợp của em M.A., em ấy còn khá trẻ,… Nhưng tính chất vấn đề khá nghiêm trọng, em ấy đến tìm tôi trong tình trạng hoảng sợ, các con còn nhỏ lại chứng kiến cảnh BLGĐ nên rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý. Tôi dành thời gian trò chuyện, khuyên nhủ em và gửi đơn đến các ngành chức năng, trong đó có Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện để trình bày về trường hợp của em”- chị Vân nói.

Huyện Thạnh Hoá hiện có 15 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, 32 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và gần đây nhất, vào giữa tháng 6/2022 đã ra mắt nhà tạm lánh tại xã Thạnh Phú. Những mô hình, địa chỉ này là nơi sẻ chia, hướng dẫn và tiếp nhận những trường hợp liên quan đến BLGĐ và bảo vệ nạn nhân, nhất là PN bị BLGĐ. Thế nhưng, chị Vân cho rằng, PN ở vùng quê, ít nhiều còn tâm lý e ngại nên chưa mạnh dạn tố cáo các trường hợp BLGĐ và thường nghĩ đó là chuyện riêng trong nhà. Chỉ khi nào BLGĐ dẫn đến hành vi đe dọa đến tính mạng, lúc đó PN mới thật sự lên tiếng.

“Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình”. Những câu nói thật ý nghĩa về gia đình đã trở thành chân lý, nhưng dường như lại là ngoại lệ đối với những PN đang phải ở nhờ trong các ngôi nhà tạm lánh của Hội PN sau khi bị chính người chồng “đầu ấp tay gối ” bạo hành. Còn đây là tâm sự của một PN ở xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh sau hơn 30 năm hứng chịu đòn roi của người chồng nghiện rượu: “Tôi rất đau khổ nhưng ra ngoài đường không ai biết tôi bị chồng đánh. Tôi cũng từng nghĩ đến việc ly hôn nhưng rồi lại thôi vì đã chịu đựng mấy chục năm rồi, giờ ly hôn để làm gì cho mọi người cười chê… Đến một ngày cách đây mấy năm, ông ấy bị bệnh nặng không qua khỏi, tôi mới thoát khỏi BLGĐ”.

Những địa chỉ tin cậy tại cộng đồng góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình (Trong ảnh: Huyện Thạnh Hóa ra mắt nhà tạm lánh tại xã Thạnh Phú)

Đã yêu thương, đừng bạo lực!

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm, nguyên nhân gốc rễ của bạo lực đối với PN là bất bình đẳng giới, dẫn đến bất bình đẳng về quyền lực và quyền kiểm soát đối với các nguồn lực giữa nam và nữ. Bên cạnh những yếu tố về văn hóa truyền thống, định kiến giới là do thiếu kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình; thiếu hiểu biết về quy định của pháp luật. Đó là Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Trẻ em,… Rồi các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, ngoại tình,... đã trực tiếp dẫn đến BLGĐ. Một nguyên nhân quan trọng khác là do sự cam chịu, không tố giác hành vi sai trái của chồng bởi tâm lý “vạch áo cho người xem lưng”, “xấu chàng hổ thiếp”. Trong khi các dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị BLGĐ còn hạn chế, chưa có cơ chế và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống BLGĐ, từng bước giảm dần BLGĐ, kịp thời hỗ trợ người bị BLGĐ,... đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cá nhân, gia đình và cả cộng đồng về tầm quan trọng của công tác phòng, chống BLGĐ. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng, chống BLGĐ. Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo và phối hợp liên ngành giữa các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ, phòng ngừa BLGĐ. Duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống BLGĐ tại cộng đồng. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống BLGĐ các cấp, các ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống BLGĐ,... góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Câu nói của người xưa nhắc nhở vợ chồng đồng tâm hiệp lực, tôn trọng lẫn nhau, nói chuyện thẳng thắn, cởi mở, không áp đặt để tìm được tiếng nói chung; từ đó gìn giữ tổ ấm hạnh phúc. Đã yêu thương, đừng bạo lực!./.

Song Nhi

Chia sẻ bài viết


số điện thoại luật sư tư vấn ly hôn miễn phí
Liên kết hữu ích