Tiếng Việt | English

24/06/2021 - 14:17

Ma túy - Hiểm họa nhức nhối của xã hội

Tội phạm, tệ nạn ma túy đã và đang gây ra nhiều tác hại khủng khiếp, nỗi đau cho biết bao gia đình. Dù vậy, có những kẻ vì siêu lợi nhuận bất chính mà sẵn sàng gieo rắc “cái chết trắng” trong cộng đồng và không ít đối tượng cứ như “con thiêu thân” lao vào.

Bài 2: Mầm mống phát sinh tội phạm

Ma túy (MT) không chỉ gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình, xã hội, ảnh hưởng sức khỏe, kinh tế kiệt quệ mà còn là mầm mống, con đường dẫn đến gia tăng các loại tội phạm,...

Vũ khí thu giữ từ một đối tượng vận chuyển ma túy
Vũ khí thu giữ từ một đối tượng vận chuyển ma túy

Dễ nghiện, khó cai và dễ tái

Tác hại, hệ lụy do nghiện MT gây ra rất khủng khiếp nhưng lạ lùng thay, số người nghiện trên địa bàn tỉnh những năm qua không ngừng tăng lên. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 2.300 người nghiện MT có hồ sơ quản lý và hơn 1.300 người nghi nghiện; trong khi đó, hơn 10 năm trước chỉ hơn 1.000 người nghiện. Con số có hồ sơ quản lý như trên chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”, bởi khả năng trong thực tế còn nhiều hơn. Tuy vậy cũng đã thể hiện đây là một thực trạng đáng báo động.

Trước thực trạng này, công tác cai nghiện và điều trị phục hồi sau cai nghiện được các cấp, các ngành quan tâm triển khai, thực hiện. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được thực hiện, đạt hiệu quả tích cực. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở điều trị bằng Methadone ở TP.Tân An và các huyện: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức.

Đặc biệt, các ngành: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án tăng cường phối hợp trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Từ năm 2008 đến nay, đã lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khoảng 4.000 trường hợp.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc tập trung người nghiện MT vào quản lý, giáo dục giúp loại bỏ một khoản chi phí hoang phí trong xã hội về sử dụng MT. Người nghiện MT được chữa trị, chăm sóc, học nghề. Việc cai nghiện tập trung cũng góp phần hạn chế, ngăn ngừa người nghiện thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; tạo cơ hội cho những người nghiện MT được chữa trị, chăm sóc sức khỏe, cai nghiện để làm lại cuộc đời và làm giảm tốc độ lây lan HIV/AIDS ngoài cộng đồng.

Dù ưu điểm của công tác cai nghiện là rất rõ và đạt nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, vấn đề sau cai nghiện còn nhiều khó khăn. Thực tế, trong xã hội vẫn còn những cái nhìn, đánh giá “gièm pha” đối với người từng nghiện MT; người sau cai nghiện đi xin việc không dễ; điều đáng lo ngại là tỷ lệ tái nghiện vẫn cao.

Qua tìm hiểu, thời gian qua, người tái nghiện quay trở lại cơ sở cai nghiện chiếm khoảng 30%. Chia sẻ với chúng tôi, anh T. - một người cai nghiện tập trung tại Cơ sở Cai nghiện MT tỉnh Long An đóng tại huyện Thạnh Hóa, nói: “MT là thứ dễ nghiện, khó cai và dễ tái. Có nhiều người sau khi cai nghiện và trở về cuộc sống đời thường một thời gian lại tái nghiện và tiếp tục đến đây cai nghiện”.

Tệ nạn ma túy gây ra nhiều hệ lụy

Tệ nạn ma túy gây ra nhiều hệ lụy

Con đường đi đến tù tội

MT gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình, xã hội, ảnh hưởng sức khỏe, kinh tế kiệt quệ và cũng là mầm mống, con đường dẫn đến gia tăng các loại tội phạm. để có tiền sử dụng MT, nhiều đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp, cướp giật và bị lực lượng chức năng bắt giữ. Có những vụ đối tượng sau khi sử dụng MT đã gây thương tích, giết người; có những trường hợp bị “ngáo đá” lái xe chạy ào ào, leo cột điện cứ như diễn xiếc.

Gần 2 năm trước, tại phường 2, TP.Tân An, một nam thanh niên mới 15 tuổi sau khi sử dụng MT đã rút dao Thái Lan đâm nhiều nhát vào người một thanh niên 18 tuổi tử vong tại chỗ. Sau khi gây án xong, đối tượng này còn đăng tải “khoe chiến tích” giết người trên Facebook cá nhân.

Năm 2019, vụ án Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi), ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM, đến ấp 3, xã Long Cang, huyện Cần Đước, chém chết bà B.T.N. (56 tuổi), sau đó tiếp tục chạy xe về nhà giết chết cha, mẹ và bà nội đã gây chấn động dư luận. Sau khi gây án, Nam bị Cảnh sát bắt giữ nhưng đến ngày hôm sau, đối tượng vẫn trong tình trạng “ngáo đá”, kích động mạnh vì sử dụng MT đá.

Có không ít vụ, các đối tượng tập hợp thành băng nhóm đi trộm, cướp gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Tháng 9-2019, lực lượng công an triệt phá một băng cướp hơn 10 đối tượng có tuổi đời từ 13-20 tuổi.

Làm việc với cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, vì nghiện MT nên đã rủ nhau mang theo dao, mã tấu đi chặn đường để thực hiện nhiều vụ cướp ở huyện Bình Chánh, quận Bình Tân (TP.HCM) và tỉnh Long An; trong đó, tại Long An thực hiện 7 vụ cướp ở địa bàn huyện Bến Lức và Đức Hòa. Tài sản cướp được, các đối tượng đem bán lấy tiền tiêu xài và mua MT sử dụng.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Tân An đã ra quyết định khởi tố bị can 2 đối tượng: Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi), hộ khẩu thường trú TP.Tân An, tỉnh Long An và Phạm Trọng Nghĩa (23 tuổi), hộ khẩu thường trú huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, về tội cướp giật tài sản.

Thông tin từ Công an TP.Tân An, 2 đối tượng đã giật sợi dây chuyền của một phụ nữ đang lưu thông trên đoạn đường thuộc xã Bình Tâm, TP.Tân An. Tài sản cướp được, 2 đối tượng đem xuống Tiền Giang bán. Ngay sau đó, Công an TP.Tân An truy xét và bắt được 2 đối tượng. Khai với cơ quan điều tra, cả 2 thừa nhận đã nghiện MT khá lâu, lý do đi cướp là để lấy tiền mua MT sử dụng.

Ngoài những vụ việc trên, có rất nhiều người gia đình tan nát, chia lìa, bệnh tật và kiệt quệ kinh tế chỉ vì MT. Cách đây chưa lâu, chị N.T.T., tạm trú tại huyện Bến Lức, đã “đường ai nấy đi” với người chồng nghiện ngập, sau thời gian cam chịu. Đây là một quyết định rất khó khăn nhưng không có sự lựa chọn nào khác.

Chị chia sẻ, vợ chồng cưới nhau được 3 năm. Thế nhưng, hơn 1 năm qua, chị phát hiện chồng nghiện MT. Dù khuyên nhủ, can ngăn nhưng không được. Kể từ ngày nghiện MT, chồng chị thay đổi tính nết, bỏ bê gia đình, không lo làm ăn mà thường xuyên tụ tập với bạn xấu. Đã vậy, trong nhà có gì giá trị cũng mang đi bán lấy tiền sử dụng MT.../.

(còn tiếp)

Bài 3:  Mối lo người trẻ tụ tập sử dụng ma túy tập thể

Lê Đức

Chia sẻ bài viết