Trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em mồ côi huyện
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Tâm Đức, tọa lạc ấp 1A, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa. Tại đây, chúng tôi cảm nhận được không khí ấm áp, tình yêu thương của sư cô Tâm Huệ (Giám đốc Trung tâm BTXH Tâm Đức) dành cho trẻ em kém may mắn. Đó là hình ảnh sư cô nhẹ nhàng đút cho các em nhỏ từng miếng ăn hay đơn giản là dạy trẻ gật đầu chào khi gặp người lớn.
Năm 2012, Trung tâm BTXH Tâm Đức được thành lập. Hiện trung tâm nuôi dưỡng 16 trẻ bị bỏ rơi, mồ côi từ 0-6 tuổi. Với khuôn viên rộng hơn 5.500m2, trung tâm trang bị đầy đủ các phòng chức năng như: Phòng làm việc, giảng đường, phòng học, nhà bếp, phòng ăn,... Trung tâm còn bố trí 15 nhân viên để chăm sóc tốt trẻ em. Trung tâm có lắp đặt hệ thống camera quan sát, toàn bộ nhân viên đều được giới thiệu từ trung tâm giới thiệu việc làm, bảo đảm về lý lịch nhằm kiểm soát tối đa các trường hợp bạo hành trẻ. Ngoài thời gian học ở trường, trung tâm còn mời các giáo viên ở TP.HCM về dạy các lớp kỹ năng sống và tổ chức các hoạt động ngoại khóa,... góp phần tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
Giám đốc Trung tâm BTXH Tâm Đức - sư cô Tâm Huệ bộc bạch: “Mặc dù tôi không phải là trẻ mồ côi nhưng từ nhỏ, sức khỏe không tốt nên gia đình gửi vào mái ấm tình thương. Lúc đó, mái ấm khó khăn lắm nên tôi nuôi ý tưởng lớn lên phải thành lập trung tâm với đầy đủ tiện nghi để có điều kiện chăm sóc những trẻ em kém may mắn trong cuộc sống. May thay, tôi đã làm được điều đó. Hiện trung tâm hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự quản (về nhân sự, tài chính), công khai, minh bạch và tôn trọng pháp luật. Ngoài ra, trung tâm còn 1 cơ sở nuôi dưỡng trẻ ở TP.HCM. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trung tâm đã đưa các em ở cơ sở TP.HCM về cơ sở Đức Hòa để chăm sóc nên số trẻ em được nuôi dưỡng hiện tại là 64 em”.
Ngược về vùng hạ của tỉnh, chúng tôi đến thăm Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em mồ côi huyện Cần Giuộc (xã Thuận Thành). Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là tòa nhà 3 tầng, xung quanh được bao bọc với hàng rào, bên trong là hình ảnh trẻ em đang vui chơi. Giám đốc Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mồ côi huyện Cần Giuộc - ông Marc De Muynck cho biết: “Hiện trung tâm tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc 12 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, với độ tuổi từ 1-3, trong đó có 7 gái và 5 trai. Trung tâm có 11 nhân viên gồm quản lý, thư ký, giáo viên, bảo mẫu và cấp dưỡng. Cũng như bao trẻ nhỏ khác ngoài xã hội, trẻ em tại trung tâm được tham gia các hoạt động vui chơi Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, mừng lễ Giáng sinh, mừng năm mới,... Đặc biệt, trung tâm còn tổ chức tiệc sinh nhật cho các bé mỗi năm nhằm tạo cảm giác vui vẻ, hạnh phúc không khác một gia đình”.
Ngồi trò chuyện cùng ông Marc De Muynck, chúng tôi được biết trong số 12 trẻ đang nuôi dưỡng tại trung tâm từng có 2 em bị bệnh nặng, cứ ngỡ là sẽ không qua khỏi. Tuy nhiên, bằng tấm lòng thương yêu, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, đội ngũ cán bộ và nhân viên ở đây luôn làm việc bằng chính cái tâm của người làm cha, làm mẹ. Nhờ vậy, đến nay, 2 em này hoàn toàn bình phục, mọi sinh hoạt, vui chơi đều bình thường như bao trẻ khác cùng lứa tuổi.
Được biết, kinh phí hoạt động của trung tâm được hỗ trợ từ Hiệp hội Les Enfantsdu Dragon (Pháp). Bên cạnh đó, trung tâm có 10 em được nhận trợ cấp thường xuyên của Nhà nước, mỗi em 1.350.000 đồng/tháng; còn 2 em đang làm hồ sơ để nhận trợ cấp. Trung bình mỗi tháng, trung tâm chi khoảng 90 triệu đồng cho các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Dự kiến năm 2021, trung tâm sẽ mở lớp học mầm non đầu tiên cho trẻ, trong đó không chỉ tạo điều kiện cho trẻ vui chơi mà còn dạy trẻ 2 ngoại ngữ Anh và Pháp.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết: “Hiện toàn tỉnh có 5 cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em tập trung tại địa phương (1 công lập và 4 ngoài công lập), trong đó có 4 cơ sở BTXH và 1 mái ấm với 127 cán bộ, nhân viên. Tổng số trẻ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở này là 99 trẻ, chủ yếu là trẻ mồ côi và bị bỏ rơi. Những năm qua, nhờ thực hiện tốt xã hội hóa, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần”./.
Lê Ngọc - Thúy Hằng