Người dân thưởng ngoạn hoa và chọn hoa trang trí ngày tết trong gia đình
Thấy chợ hoa là thấy tết
Không biết tự bao giờ, chợ hoa ngày tết trở thành một trong những nét văn hóa truyền thống của người dân ở khắp mọi nơi. Không ít người cho rằng, thấy chợ hoa là thấy tết. Thật vậy, những ngày này, rảo bước khắp chợ hoa, mọi người sẽ cảm nhận được không khí náo nhiệt, nô nức của dòng người đổ về đây để thưởng ngoạn, chọn lựa những chậu hoa yêu thích trưng bày trong gia đình những ngày tết.
Bà Trần Minh Thi, ngụ phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An chia sẻ: “Tôi rất yêu hoa, đặc biệt là các loại hoa đặc trưng của ngày tết như mai, đào, vạn thọ, cúc, sống đời,... Đã thành thói quen, khi chợ hoa nhóm họp, mỗi buổi sáng sớm, tôi thường đến để thưởng lãm nhiều loài hoa từ nhiều nơi được nhà vườn, thương lái mang về phục vụ nhu cầu của người dân. Rảo bước thật chậm để ngắm nhìn từng nụ hoa vừa hé nở, bung cánh làm cho tâm hồn mình thư thái”. Còn ông Dương Minh Trung, ngụ phường 3, TP.Tân An, nói: “Năm nay, chợ hoa hội tụ nhiều loài hoa rất đẹp đến từ nhiều vùng, miền. Mỗi loài hoa có vẻ đẹp riêng. Điều này khiến cho chợ hoa thêm sinh động, rực rỡ sắc màu”.
Người Việt Nam có quan niệm, mùa xuân sẽ mang tài lộc, may mắn đến cho mọi người, mọi nhà. Hoa mai là một trong những loài hoa tượng trưng cho sắc xuân và không thể thiếu trong những ngày tết của hầu hết người dân miền Nam. Chính vì vậy, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, ông Nguyễn Tấn Phát, ngụ phường 4, TP.Tân An, lại đến chợ hoa để ngắm nhìn hoa mai. Ông Tấn Phát nói: “Tiêu chí chọn mai của tôi là thế và dáng đứng của cây. Thế cây vững chãi nhưng phải có cả lá, lộc, chồi, nụ. Điều đó cũng biểu hiện sự an khang, thịnh vượng cho gia chủ. Đặc biệt, hoa mai phải có màu vàng tươi thắm, có mùi thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng. Màu vàng của hoa mai rất có ý nghĩa, thể hiện sự ấm cúng, tự tin và năng động của con người trong mùa xuân mới”.
Ở chợ hoa xuân, hoa vạn thọ được xem là nổi bật hơn hết bởi vẻ đẹp giản dị nhưng màu sắc vẫn rực rỡ. Chị Trần Minh Thi chia sẻ thêm: “Mỗi sáng, đi dạo ở chợ hoa, tôi đều dừng lại ở khu vực bán hoa vạn thọ. Nhìn hoa vạn thọ, tôi nhớ ngày còn nhỏ ở quê, cùng cha mẹ trồng những luống hoa trước nhà đón tết”.
Người dân mua sắm tết
Nhiều người cho rằng, ngày tết trăm hoa đua nở nhưng nếu thiếu hoa vạn thọ như thiếu một phần hồn quê. Nắm bắt tâm lý này của người dân, nhất là dân thành thị, chị Lê Thị Thu Tâm, quê huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, năm nào cũng trồng hoa vạn thọ bán tết. Nếu như các năm trước, chị trồng tại quê nhà và chở lên Long An bán thì năm nay, chị thuê đất ở huyện Tân Trụ để trồng 20.000 chậu. Chị Thu Tâm cho biết: “Năm nay, Chợ Lách nước mặn sớm, không thuận lợi cho việc trồng hoa tết. Tôi chọn Long An để trồng hoa, chở đến chợ hoa thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, thương lái từ TP.HCM về Tân Trụ chở hoa càng thuận đường hơn”.
Theo quan niệm dân gian, vạn thọ biểu tượng cho sự may mắn, cát tường, trường thọ nên loài hoa này hầu như gia đình nào cũng chọn về trang trí trong nhà ngày tết.
Nhộn nhịp sắm tết
Khác với ngày thường, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ những ngày giáp tết khá nhộn nhịp. Ngoài các loại hàng hóa thường ngày, những nơi này còn bày bán rất nhiều mặt hàng phục vụ tết như hoa, trái cây, bánh, mứt,... Nhiều người nói vui rằng, đi chợ là có thể mang tết về nhà. Giám đốc Co.opmart Cần Giuộc - Nguyễn Thị Phương Lan chia sẻ, thời điểm này, người dân bắt đầu mua sắm tết, siêu thị đông đúc hẳn lên. Thuận lợi là năm nay, nguồn hàng hóa dự trữ của đơn vị khá lớn, lên đến hơn 32 tỉ đồng và đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Đặc biệt, 5 ngày cận tết, Co.opmart Cần Giuộc sẽ có nhiều món hàng tươi sống để phục vụ người dân như giò sống, chả lụa, lạp xưởng,...
Theo bà Võ Thị Bích Thu, nhà ở xã Tân Kim nhưng bà thích đi siêu thị Co.op Cần Giuộc vì hàng hóa phục vụ tết tại đây đa dạng mẫu mã, chủng loại từ bánh, kẹo đến quần áo. Khi chọn mua hàng ở đây, bà cảm thấy an tâm về chất lượng cũng như hạn sử dụng.
Bà Nguyễn Minh Truyền, ngụ phường 3, TP.Tân An, đang mua sắm tại chợ phường 1, cho biết, bà vừa chọn một số loại bánh, mứt như bánh tráng nước cốt dừa, mứt dừa, chùm ruột, mãng cầu,... Trước tiên, những món này để cúng ông bà, tổ tiên, sau đó dành đãi khách những ngày đầu năm mới. Theo dự tính của bà, ngày 29 tết sẽ mua thêm một ít trái cây như dừa, đu đủ, mãng cầu,... để chưng mâm ngũ quả cúng trên bàn thờ gia tiên. “Những ngày này, chợ đầy đủ các mặt hàng bánh, mứt, trái cây phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Người dân đi mua sắm tết đã đông đúc hẳn lên, đi một vòng chợ là có thể mang tết về nhà” - bà Truyền chia sẻ.
Ngoài bánh, mứt, các loại hàng tiêu dùng thiết yếu như dầu ăn, đồ gia vị, thực phẩm chế biến sẵn, nước giải khát cũng được người dân mua khá nhiều. Bà Bích Ngọc mua sắm tại SanHàFoodstore Tầm Vu, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Trước đây, tôi mua hàng hóa ở chợ, nay có cửa hàng tiện ích ở gần nhà nên đến mua để dành sử dụng cho những ngày tết. Hàng hóa được bày ở vị trí dễ nhìn, rất thuận tiện cho khách hàng lựa chọn. Tôi chọn hàng hóa, bánh, kẹo đều là hàng Việt Nam, có độ tin cậy cao về chất lượng”.
Chợ hoa ngày tết là một nét đẹp văn hóa, thú vui tao nhã mà nhiều người đều mong đợi mỗi dịp xuân về. Mua sắm đầy đủ thực phẩm trong gia đình để đón tết là truyền thống, phong tục lâu đời của người Việt nhằm mong ước cuộc sống được đủ đầy quanh năm. Tất cả những điều này được gìn giữ qua nhiều thế hệ người Việt để đón chào một năm mới hanh thông, vạn sự cát tường./.
Mai Hương