Tiếng Việt | English

25/11/2021 - 08:39

Mẹ ơi, xin nghe con nói...

Nhiều bậc cha mẹ có con độ tuổi dậy thì thường than vãn con không nghe lời, ương bướng, ngỗ nghịch,... Và đây trở thành vấn đề “đau đầu” của phụ huynh. Để con nghe theo ý mình, có người dùng đòn roi nhưng càng làm tình hình thêm tệ hơn, làm cha mẹ và các con xa cách hơn. Cha mẹ thường trách con không biết vâng lời, vậy có bao giờ cha mẹ đặt mình vào vị trí của con để hiểu được những tâm tư, tình cảm và nỗi lòng của tuổi mới lớn hay chưa?

Làm bạn cùng con

Mấy ngày nay, thấy con gái cứ về đến nhà là vào phòng đóng kín cửa, đến giờ ăn mới ra ngoài để mang cơm vào phòng ăn một mình, chị Thu An (quận 3, TP.HCM) nhiều lần dò hỏi, chia sẻ nhưng con không nói gì. Con bé cũng không ra đường, không tiếp xúc với ai, đến giờ thì mở máy học online, sau đó lên mạng giải trí. Chị không biết lý do gì con mình lại có những biểu hiện như thế. Biết con đang trong độ tuổi “ẩm ương” nên chị cố gắng tìm hiểu, chia sẻ nhưng không được. Có lẽ lần trước, chị mắng và đánh con bé nên khoảng cách giữa 2 mẹ con xa dần.

Năm học trước, ngày tổng kết, con chị xin đi chơi cùng nhóm bạn. Tối đó, con về trễ, lại có cậu bạn trai đưa về tận nhà. Thấy con có mùi bia, rượu, chị giận quá tát con thật mạnh trước mặt cậu bạn kia. Con chị bật khóc rồi đi một mạch vào nhà. Sau đó, tìm hiểu qua bạn bè của con, chị biết do là buổi tổng kết chia tay nên cả nhóm rủ nhau đi ăn ốc, trong lúc ngẫu hứng, mỗi đứa uống 1 lon bia. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu chị An bình tĩnh tìm hiểu sự việc, đằng này lại đánh con trước mặt bạn nên con bé uất ức. Cũng từ lần đó, con ít chia sẻ, khi buồn chỉ một mình âm thầm chịu đựng.

Không giống trường hợp con gái chị Thu An, con trai chị Thảo Hương (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thường chia sẻ mọi chuyện với mẹ. Bất kỳ mối quan hệ nào, cậu cũng tâm sự cùng mẹ. Khi con để ý cô bạn lớp bên cạnh, chính chị Hương là người tư vấn cho con mua quà tặng bạn. Chị còn khuyên con không nên tỏ tình sớm vì nếu nhỡ bạn ấy từ chối thì quê lắm mà phải làm quen, tìm hiểu nhau. Chị còn tư vấn cho con tìm hiểu xem bạn ấy học chưa tốt môn nào để mình cố gắng học tốt hơn và hướng dẫn lại cho bạn. Đối với những môn học thua thì nhờ bạn ấy hướng dẫn thêm. Chính cách làm này khiến con trai và chị Hương dễ dàng trao đổi với nhau từ việc học tập đến chuyện tình cảm. Mỗi lần dạy con điều gì, chị đều đặt mình vào vị trí của con.

Chị nói, hồi đó, lớp 11, 12, mình cũng bắt đầu có những rung động đầu đời. Bây giờ xã hội phát triển nên việc con rung động sớm hơn cũng là bình thường. Thay vì la mắng, cấm cản, chị tìm cách gần gũi, chia sẻ và định hướng cho con. Chị nói: “Được sống trong thế giới của con cũng thú vị lắm, giống như được trở lại thuở mười tám, đôi mươi. Theo tôi, hiểu con để chia sẻ với con và kịp thời nắm bắt diễn biến tâm lý là cách tốt nhất thay vì áp đặt con phải làm theo ý của mình sẽ làm các con càng nổi loạn hơn”.

Ít có người mẹ nào tâm lý và đặt mình vào vị trí của con như chị Thảo Hương. Để làm được việc đó, chị tham khảo tài liệu, tìm hiểu tâm lý tuổi mới lớn. Và đó cũng là hình mẫu người mẹ mơ ước của tuổi mới lớn.

Ảnh internet

Giá như mẹ hiểu con hơn!

Hà Anh - học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Định (TP.HCM), chia sẻ: “Giá như mẹ hiểu và lắng nghe mình! Mình biết mẹ quan tâm nên luôn theo sát mọi hành động của mình. Mình lớn rồi, cần có thế giới riêng nhưng lúc nào mẹ cũng kềm cặp, quan sát khiến mình cảm thấy mất tự do. Ngay cả tiền tiêu vặt, mẹ cũng giám sát xem mình chi tiêu vào việc gì. Mình muốn nói với mẹ: Mẹ hãy tin con, đừng xem con như đứa trẻ!”. Chia sẻ của Hà Anh cũng là nỗi niềm của nhiều em tuổi mới lớn.

Ở độ tuổi này, các em có những thay đổi lớn về tâm, sinh lý, lúc vui, lúc buồn, muốn chứng tỏ mình nhưng khi gặp thất bại thì lại dễ buông xuôi, tuyệt vọng. Cha mẹ đừng vội la mắng cũng đừng quản chặt các con về giờ giấc, nếp sinh hoạt, hãy cho con được tự do trong khuôn khổ. Quan tâm không phải là theo sát “nhất cử nhất động” của con mà gần gũi, chia sẻ, đặt mình vào vị trí của con để giải quyết vấn đề. Có như vậy, cha mẹ mới tạo được sự tin tưởng và nắm bắt kịp thời chuyển biến tâm lý của con./.

Ngọc Cầm

Chia sẻ bài viết