Tiếng Việt | English

03/05/2023 - 14:57

Mồ hôi trên thao trường

Huấn luyện chiến đấu luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của lực lượng vũ trang (LLVT), kể cả trong thời bình. Tùy theo từng đối tượng cụ thể: Bộ đội thường trực, dân quân (DQ) tự vệ, dự bị động viên,... chương trình huấn luyện được xây dựng khác nhau và phù hợp với từng lực lượng. Dù là chương trình huấn luyện nào thì các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) cũng hết sức nghiêm túc với phương châm "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu".

1. Gần trưa, lớp huấn luyện DQ năm thứ nhất tại thao trường Đại đội Bộ binh huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An vẫn đang hăng say tập luyện. Nắng vùng biên giới rát da, các CS nghiêm trang hàng ngũ theo hiệu lệnh của chỉ huy. Chương trình lớp huấn luyện kéo dài 15 ngày. Các CS được học giáo dục chính trị, quân sự và cả hậu cần. Riêng về quân sự, các bài học về: Điều lệnh, chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu DQ tự vệ, thể lực,... được hướng dẫn chi tiết và đầy đủ. Sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện, các CS nắm rõ những kiến thức quân sự cơ bản, trở về với cuộc sống thường nhật và luôn sẵn sàng trở thành CS.

Lớp huấn luyện bộ đội thường trực (ảnh: Lê Hoàng Thái)

Thiếu tá Đoàn Hữu Lâm - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Việc huấn luyện DQ là hoạt động thường xuyên của đơn vị song song với công tác huấn luyện bộ đội thường trực. Sau khi kết thúc huấn luyện, các CS lớp DQ năm thứ nhất được bàn giao về đơn vị cấp xã biên chế vào các đơn vị DQ cơ động, thường trực, tại chỗ và tiếp tục tham gia huấn luyện”. Công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của đơn vị nói riêng và LLVT tỉnh nhà nói chung. Không chỉ huấn luyện bộ đội, các lớp huấn luyện DQ tự vệ, dự bị động viên cũng được các đơn vị tổ chức thường xuyên, nghiêm túc, đúng theo kế hoạch.

Các chiến sĩ nghiêm trang hàng ngũ theo hiệu lệnh của chỉ huy

Các CS tham gia lớp huấn luyện DQ năm thứ nhất là những thanh niên đang sinh sống tại địa phương, có độ tuổi từ 18-45 đối với nam và 18-40 đối với nữ. Họ làm nhiều ngành nghề, công việc khác nhau, hầu hết chưa bao giờ được tiếp cận với kỷ luật và sự rèn luyện của quân đội. Thế nhưng, khi tham gia huấn luyện, các CS đều rất nỗ lực, dù là nam hay nữ. Chị Nguyễn Thị Diễm My (ấp Đồn A, xã Thuận Bình) kể: “Tôi là con gái duy nhất trong gia đình, đang kinh doanh dịch vụ làm đẹp tại nhà. Khi nghe các anh bộ đội vận động tham gia huấn luyện DQ, tôi làm đơn xin đi. Gia đình cũng sợ tôi không chịu nổi chương trình huấn luyện nhưng tôi xem đây là một dịp để thử thách bản thân”. Tham gia lớp huấn luyện, Diễm My cũng như các nữ CS khác thực hiện các bài tập như các đồng đội nam và luôn nỗ lực hết mình.

Thiếu tá Đoàn Hữu Lâm cho biết thêm, thời tiết chính là một trong những khó khăn của công tác huấn luyện. Tuy nhiên, không vì vậy mà các lớp huấn luyện phải gián đoạn hay giản lược bất kỳ bài tập nào. Các bài học luôn được giáo viên sắp xếp phù hợp nhằm bảo đảm việc tập luyện và bảo vệ sức khỏe các CS. “Chúng tôi luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các CS trong quá trình tham gia huấn luyện: Sắp xếp tốt nhất việc ăn, nghỉ cho CS trong suốt quá trình huấn luyện; lịch huấn luyện cũng được linh động tùy vào điều kiện thời tiết và đặc biệt, nếu gia đình CS gặp khó khăn trong thời gian huấn luyện, đơn vị sẵn sàng cử lực lượng DQ thường trực tại địa phương đến hỗ trợ, giúp đỡ” - Thiếu tá Đoàn Hữu Lâm khẳng định.

Dù là thời bình hay thời chiến thì công tác huấn luyện trong các đơn vị quân đội luôn được chú trọng nhằm bảo đảm lực lượng sẵn sàng chiến đấu trong quần chúng nhân dân bên cạnh lực lượng CBCS tinh nhuệ.

2. Quân đội vốn được biết đến là môi trường có tính kỷ luật nghiêm ngặt và sự rèn luyện đầy gian khổ để hình thành phẩm chất người Bộ đội Cụ Hồ “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Bộ đội hành quân vốn là hình ảnh quen thuộc của LLVT. Các CS với ba lô nặng trịch trên vai hành quân qua đoạn đường dài, vượt địa hình phức tạp nhằm rèn luyện sức khỏe dẻo dai, khả năng cơ động. Theo Trung tá Võ Lê Hiến - Chính trị viên Ban CHQS thị xã Kiến Tường, hành quân, mang vác nặng là một trong những nội dung quan trọng trong việc huấn luyện bộ đội thường trực. Dù đang trong thời bình nhưng việc nhận báo động giữa đêm, hành quân, tác chiến trong đêm tối hoặc giữa lúc nắng nóng, thậm chí trời mưa là điều hết sức quen thuộc của CBCS ở các đơn vị LLVT nói chung và Ban CHQS thị xã Kiến Tường nói riêng.

Trung tá Võ Lê Hiến thông tin: “Thị xã Kiến Tường là 1 trong 6 huyện, thị xã biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng, vì vậy, Đảng ủy - Ban CHQS thị xã luôn coi công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Mặc dù đơn vị còn gặp một số khó khăn trong công tác huấn luyện như thao trường, bãi tập còn nhiều hạn chế, điều kiện thời tiết có phần thất thường và khắc nghiệt,... nhưng CBCS vẫn khắc phục khó khăn, làm tốt công tác huấn luyện”.

Lớp huấn luyện dân quân năm thứ nhất tại thao trường

Nhằm khắc phục những hạn chế của thao trường, bãi tập, đội ngũ cán bộ huấn luyện Ban CHQS thị xã Kiến Tường bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, huấn luyện sát điều kiện địa hình thực tế, tập trung nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật. Những cung đường biên giới dọc theo đồng ruộng, những cánh rừng tràm xanh mướt và hệ thống kênh, rạch chằng chịt đều có thể trở thành thao trường, đường hành quân cho CBCS của đơn vị. Với đặc thù địa phương nhiều sông nước, rừng tràm nên ngoài huấn luyện về kỹ thuật chiến đấu, diễn tập thì các CS còn được huấn luyện căn bản về bơi lội, điều khiển phương tiện, phòng cháy, chữa cháy, cứu đuối,... sẵn sàng ứng cứu có hiệu quả khi cần thiết.

Giữa cái nắng, gió thao trường, các CBCS vẫn nghiêm túc, miệt mài tập luyện để luôn là chỗ dựa vững chắc nhất của người dân trong mọi hoàn cảnh./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết