Phối cảnh Khu công nghiệp An Nhựt Tân
Toàn tỉnh có 32 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam năm 2015 và định hướng đến 2020 với tổng diện tích 11.523ha. Có 16 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch gần 3.800ha, diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê hơn 2.651ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê gần 2.350ha, lấp đầy đạt 88,4%.
Theo thống kê có 1.635 dự án đầu tư trong các KCN đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư đạt trên 4,7 tỉ USD và hơn 92.000 tỉ đồng. Các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong KCN đã đóng góp cho ngân sách gần 3.900 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 148.000 lao động.
Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Nguyễn Thành Thanh cho biết: "Trước thực tế quỹ đất đủ điều kiện cho thuê trong các KCN còn ít, tỉnh đang chú trọng thúc đẩy các NĐT hạ tầng tiến hành đầu tư xây dựng hoàn thiện các KCN được quy hoạch để thu hút đầu tư".
Năm 2020, ở tỉnh có 4 dự án (DA) KCN tiến hành khởi công: KCN Việt Phát (Thủ Thừa), KCN Đức Hòa III - Slico (Đức Hòa), KCN IDICO - Hựu Thạnh (Đức Hòa), KCN An Nhựt Tân (Tân Trụ).
Như DA KCN Đức Hòa III - Slico do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh hạ tầng KCN Sài Gòn - Long An làm chủ đầu tư và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Minh Đức L.A là đơn vị kinh doanh, phát triển. Theo đó, DA KCN Đức Hòa III - Slico có tổng diện tích gần 196ha, là KCN lớn thứ 3 trong 13 KCN thành phần thuộc KCN Đức Hòa III. Hiện tại, DA được triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng toàn khu theo kế hoạch để có thể bắt đầu cho thuê lại hạ tầng trong năm 2021.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty (Cty) CP Đầu tư và Phát triển Minh Đức L.A - Dương Ngọc Hào cho rằng, bên cạnh lợi thế nằm ở 1 trong 4 huyện được quy hoạch ưu tiên phát triển công nghiệp của tỉnh Long An thì KCN Đức Hòa III - Slico còn nằm giáp ranh với Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, TP.HCM. Đây chính là những lợi thế cực kỳ quan trọng để phát triển công nghiệp và thu hút các NĐT.
Còn DA KCN IDICO - Hựu Thạnh (huyện Đức Hòa) có tổng diện tích 524ha; trong đó, có gần 400ha đất công nghiệp cho thuê. Hiện tại, chủ đầu tư đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Các hạng mục như san lấp, đường chính, đường nội bộ đang được các nhà thầu triển khai thi công. Giám đốc Ban Quản lý các KCN IDICO, Tổng Cty IDICO - Nguyễn Vũ Minh Hồng cho biết: "Thời gian qua, Cty tập trung tháo gỡ một ít vướng mắc về giải phóng mặt bằng và tăng cường đẩy nhanh triển khai, thực hiện DA, cố gắng đến hết quí II-2021 sẽ đủ điều kiện để tiếp nhận NĐT thứ cấp".
Trong khi đó, DA KCN An Nhựt Tân tại huyện Tân Trụ với diện tích 120ha sau hơn 10 năm trì trệ và phải chuyển đổi NĐT thì thời gian qua, các vướng mắc giải phóng mặt bằng, bồi thường cơ bản được giải quyết, hiện được đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo dự kiến, sẽ tiến hành cho thuê lại đất công nghiệp vào khoảng đầu quí II-2021. Mục tiêu phát triển DA là KCN công nghệ cao và phát triển bền vững với các nhà máy hiện đại, bảo đảm phát triển xanh và bền vững.
Theo ông Nguyễn Thành Thanh, dự kiến trong năm 2021, tỉnh sẽ có thêm khoảng 1.500ha đất sạch trong các KCN để thu hút đầu tư, đón đầu làn sóng đầu tư vào khu vực.
Ngoài một số DA đang triển khai thi công như trên thì cuối tháng 3-2021, DA KCN Cầu cảng Phước Đông tại huyện Cần Đước do Cty IMG Phước Đông làm chủ đầu tư đã khánh thành. KCN này có diện tích gần 129ha, bao gồm hơn 92ha đất công nghiệp gồm nhà xưởng xây sẵn và kho bãi.
Việc triển khai hạ tầng khu công nghiệp đang được quan tâm đôn đốc thực hiện
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty IMG - Lê Từ Minh cho biết, KCN Cầu cảng Phước Đông nằm trong vị trí giao thông thuận tiện cả về đường bộ và đường thủy. Về đường bộ, có Đường tỉnh 826B đi qua dự án, kết nối Quốc lộ 50, TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Về đường thủy, khu vực này sở hữu chiều dài giáp sông Vàm Cỏ hơn 3km và cầu cảng trong tương lai.
Thông tin về thu hút đầu tư của tỉnh, tại lễ khánh thành KCN Cầu cảng Phước Đông, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TP.HCM và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có biên giới, cửa khẩu quốc tế, cảng biển,... Đó là những yếu tố rất thuận lợi để thu hút các NĐT. Những năm qua, tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị làm động lực cho sự phát triển.
Tỉnh luôn quan tâm công tác cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để các DN, NĐT hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng tiến hành đầu tư xây dựng hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch để thu hút đầu tư. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 DA đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký hơn 244.900 tỉ đồng và 1.100 dự án FDI đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư gần 6,1 tỉ USD, trên 12.900 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 334.340 tỉ đồng.
"Với phương châm xuyên suốt “luôn đồng hành cùng DN, xem khó khăn của DN là khó khăn của tỉnh”, Long An khẳng định rất trân trọng và luôn sẵn sàng chào đón, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các NĐT sản xuất, kinh doanh" - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định./.
Vũ Quang