Bày bán khắp nơi
Bánh tráng trộn là sự hòa quyện giữa bánh tráng dai dai, vị mặn mặn của muối rang, cay cay của ớt, nhiều nơi còn trộn thêm xoài, rau răm, mỡ hành, đậu phộng,... tạo thành món ăn vặt hấp dẫn.
Từ những sự kết hợp đó, bánh tráng trộn trở thành món ăn ưa thích của nhiều người, nhất là học sinh, sinh viên. Hiện bánh tráng trộn được bán ở khắp nơi từ con hẻm, tuyến đường đến trường học. Món ăn này thường được bán theo kiểu hàng rong, vỉa hè, với giá khá rẻ, chỉ từ 5.000-10.000 đồng/bịch.
Bánh tráng trộn được bán dọc Quốc lộ 1 tuyến tránh đoạn qua TP.Tân An
Bánh tráng trộn được bày bán nhiều nhất là trên Quốc lộ 1 (tuyến tránh TP.Tân An và đoạn qua xã Bình Thạnh và Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Đoạn đường này chỉ dài khoảng 7km nhưng có hàng trăm điểm bán bánh tráng trộn.
Điểm chung của những điểm bán hàng này có thể là xe đẩy hoặc chỉ cần một cây dù, thế là treo lên mấy chục bao bánh tráng xung quanh để thực khách dễ nhìn thấy.
Có những đoạn đường, cứ cách vài mét là lại có một điểm bán. Những xe bánh tráng trộn này dựng sát bên mép đường nên người qua đường thường dừng xe ngay trên đường để mua. Việc buôn bán này lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ. Khi người đi đường dừng lại mua cũng vi phạm Luật Giao thông đường bộ và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt - người dân sống gần bên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua tuyến tránh TP.Tân An, cho biết: “Bánh tráng trộn Long An khá nổi tiếng. Người bán chọn tuyến Quốc lộ 1 bày bán vì đây là tuyến đường huyết mạch, dễ bán cho khách vãng lai”.
Đúng như chị Nguyệt lý giải, buổi sáng, rảo quanh một số điểm bán bánh tráng trộn dọc tuyến đường này, chúng tôi thấy có rất nhiều người ghé vào mua. Trong đó có những bạn trẻ đang trên đường từ quê trở lại TP.HCM ghé vào mua cùng lúc cả chục kilôgam.
“Bạn bè tôi ở TP.HCM rất thích món bánh tráng trộn ở Long An nên mỗi lần về quê, tôi mua đem lên chia cho bạn bè cùng ăn” - chị Lê Thị Thanh Nhàn, ngụ phường 6, TP.Tân An chia sẻ.
Bánh tráng ở đây có giá từ 80.000-90.000 đồng/kg, tùy loại sa tế, tôm hay tỏi. Người bán thường chia thành từng bịch nhỏ bán với giá 10.000 đồng/bịch. “Ở đây mua mấy chục kilôgam cũng có!” - vừa nói, chị bán hàng vừa chỉ tay vào những bao lớn chứa đầy bánh tráng trộn sẵn để bên cạnh.
Món bánh tráng trộn được nhiều người ưa thích
Có bảo đảm an toàn thực phẩm?
Dẫu biết bán bánh tráng trộn cũng là một nghề mưu sinh rất chính đáng, thế nhưng, món ăn vặt này còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Bánh tráng trộn tổng hợp cả chục loại nguyên liệu: Sa tế, sốt me, khô mực, khô bò, trứng cút, tôm, hành phi, rau răm,... nên rất khó kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu.
Bánh tráng trộn được bán với giá khá rẻ nên có thể người bán sử dụng những nguyên liệu giá rẻ, kém chất lượng để trộn. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng còn băn khoăn về việc bánh tráng để lâu có thể bị ẩm mốc, thậm chí, những bịch bánh tráng được trộn gia vị bỏ trong bịch nylon rồi treo hàng giờ, thậm chí cả ngày hay từ ngày này sang ngày khác giữa thời tiết nắng nóng như hiện nay thì chắc chắn bị ôi, thiu.
Với sự kết hợp của nhiều nguyên liệu nên việc kiểm tra, quản lý các cơ sở sản xuất bánh tráng trộn cũng khá phức tạp. Chẳng hạn, cơ sở sản xuất nguyên liệu bánh tráng thì liên quan đến ngành Công Thương; các nguyên liệu ruốc, xoài, rau răm, sa tế, khô bò, khô mực thì liên quan đến ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn các chất phụ gia trộn lẫn như nước trộn bánh tráng thì chắc chắn liên quan đến ngành Y tế. Do đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm cũng phải được tăng cường thường xuyên và có sự phối hợp nhịp nhàng.
Giám đốc Sở Công Thương Long An - Lê Minh Đức cũng lo lắng về an toàn thực phẩm của món ăn bánh tráng trộn hiện nay được bày bán tràn lan khắp nơi. “Cả một cung đường đoạn qua tuyến tránh TP.Tân An được bày bán bánh tráng trộn. Những sản phẩm này lại không rõ nguồn gốc” - ông Đức nói.
Ông Lê Minh Đức cho rằng, hưởng ứng Tháng hành động An toàn thực phẩm 2017, ngành Y tế cũng như lãnh đạo địa phương, đặc biệt là TP.Tân An - nơi có nhiều điểm bán bánh tráng trộn, cần tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tế mối lo mất an toàn thực phẩm từ bánh tráng trộn là rất rõ, nhất là ngày 10/01/2017, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành kiểm tra tại một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn phường 2, phát hiện 120kg nước sa tế không nhãn mác. Số sa tế này ngay sau đó bị ngành chức năng tiêu hủy. Qua làm việc, chủ cơ sở khai báo, nước sa tế này dùng bán cho những người bán bánh tráng trộn trên địa bàn TP.Tân An./.
Lê Đức