1. Chương trình được chuẩn bị chu đáo để các ban ĐCTT “cháy” hết mình với môn nghệ thuật truyền thống. Giao lưu ĐCTT diễn ra từ ngày 17 đến tối ngày 20/9/2022, quy tụ 18 ban ĐCTT đến từ tỉnh Bạc Liêu; quận 8, TP.HCM; Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Long An và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần VH-DL tỉnh Long An năm 2022. Đến với chương trình giao lưu, các nghệ nhân, tài tử,... cùng nhau ngân lên khúc nhạc lòng và mang đến một “bữa tiệc” tinh thần cho người dân Long An trong những ngày tháng 9. Với giọng hát ngọt ngào, sâu lắng, chị Trà Thanh Nhàn - thành viên ban ĐCTT quận 8, TP.HCM, bộc bạch: “Tôi đến đây giao lưu bằng tất cả niềm đam mê. Những tài tử đờn, ca đều cống hiến hết mình để người dân có thể hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Hạnh phúc của người nghệ sĩ, tài tử là được phục vụ khán giả. Tôi mong rằng, qua những chương trình ý nghĩa như thế này, ĐCTT sẽ sống mãi theo thời gian và ươm mầm cho những thế hệ đi sau”.
Ban Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Long An biểu diễn
Trong chương trình, các khán giả mộ điệu cũng bất ngờ với màn trình diễn những bài vọng cổ điêu luyện, mùi mẫn của nghệ sĩ nhí đến từ Ban ĐCTT quận 8 - em Đào Minh Triết, học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM). Có bà ngoại là người sáng tác và hát vọng cổ, từ lúc 4 tuổi, Triết đã có niềm đam mê với bộ môn này. Em được ngoại chỉ dạy và sau này đi học ĐCTT ở nhà thầy. Có lẽ vì sự yêu thích và có năng khiếu nên nhiều chương trình giao lưu hay những hội thi trong thành phố, Triết đều tháp tùng cùng bà ngoại. “Thấy cháu có năng khiếu nên tôi và con gái ủng hộ, khuyến khích cháu theo nghề. Sau những giờ học văn hóa, chúng tôi sắp xếp thời gian cho cháu tham gia, chủ yếu để cháu rèn luyện và giao lưu” - bà Nguyễn Thị Thanh Vân (bà ngoại Triết) chia sẻ.
2. Xuất hiện trên sân khấu là biểu tượng cây đờn kìm và hình ảnh nhà hát Cao Văn Lầu cùng những câu hát, tiếng đờn du dương, réo rắt gợi cho khán giả mộ điệu nhớ đến vùng đất Bạc Liêu - cái nôi của ĐCTT Nam bộ. Giao lưu ĐCTT tại Long An, Ban ĐCTT tỉnh Bạc Liêu đem đến cho khán giả những tác phẩm đặc sắc với chủ đề Tơ lòng phương Nam qua phần trình diễn của các nghệ nhân ưu tú đờn kìm, đờn bầu, đờn tranh,... cũng như các tài tử ca. Những tiết mục Bạc Liêu hồng trang sử, Nam quốc sơn hà,... được cất lên với những lời ca, tiếng hát ngọt ngào làm say đắm lòng người. Các thành viên của Ban ĐCTT tỉnh Bạc Liêu đến chương trình với hy vọng những tiết mục của mình sẽ lắng đọng trong lòng khán giả.
Chương trình đem đến cho khán giả mộ điệu những tiết mục đặc sắc
Long An - vùng đất có nhiều nghệ nhân, nhạc sĩ nổi tiếng, tiêu biểu là Nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại - người đã có công lớn trong việc hình thành và phát triển loại hình nhạc lễ, nhạc tài tử Nam bộ. Đến với chương trình giao lưu ĐCTT, Ban ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh xây dựng chương trình với chủ đề Nhớ người đi trước, bao gồm các tiết mục: Non sông thanh bình, Vọng chinh phu, Mẹ anh hùng, Hòa tấu ngũ đối hạ 20 câu, Công đức tiền nhân và Trọn niềm đam mê.
Qua chương trình, các thành viên Ban ĐCTT Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh mong muốn giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật ĐCTT trong cộng đồng và xã hội. Qua đó, khai thác hiệu quả loại hình nghệ thuật này phục vụ phát triển du lịch trong đời sống đương đại; đồng thời, giới thiệu về hình ảnh đất và người Long An với bạn bè trong và ngoài nước.
Các nghệ nhân và tài tử đã cùng nhau hòa ca, hòa đờn nhiều tiết mục có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước; giới thiệu những bài ca hay, sáng tác về con người, vùng đất Bạc Liêu, Long An và TP.HCM đến bạn bè. Qua chương trình, người xem không những được thưởng thức những tiết mục ngọt ngào qua những làn hơi điêu luyện của những nghệ sĩ mà còn có cái nhìn khái quát về mỗi tỉnh, thành qua từng lời ca. Chương trình giao lưu còn là dịp để người Long An bày tỏ tấm chân tình mộc mạc, lòng hiếu khách vào từng lời ca, câu hát đến với những trái tim có chung nhịp đập với ĐCTT sâu lắng tình đất, tình người qua những câu vọng cổ mượt mà, da diết.
3. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng cho biết, có thể nói, nhờ các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ tài danh đi trước đã làm cho mạch sống nghệ thuật đờn, ca không ngừng trưởng thành, lớn mạnh và dần trở thành tinh hoa của nghệ thuật dân tộc. Nghệ thuật ĐCTT đã gắn bó với đời sống của người dân Nam bộ nói chung và Long An nói riêng từ những ngày đầu mở cõi, là hơi thở, tiếng lòng, sức sống mãnh liệt của những con người trọng nghĩa khinh tài, đậm tính nhân văn của vùng sông nước giàu hoa trái và trí dũng miền Nam. Đây là “một viên ngọc” cần được bảo tồn, phát huy.
Chương trình giao lưu đờn ca tài tử là dịp để các nghệ nhân và tài tử đã cùng nhau hòa ca, hòa đờn
Ông cũng cho rằng, để góp phần hiện thực hóa việc tôn vinh giá trị lịch sử, nghệ thuật và trao truyền, lan tỏa di sản ĐCTT Nam bộ - tài sản vô giá mà cha ông ta để lại, trong khuôn khổ Tuần VH - DL tỉnh Long An năm 2022, tỉnh quyết định lựa chọn và tổ chức chương trình giao lưu ĐCTT lần này với chủ đề Giai điệu đất phương Nam với hy vọng thu hút sự quan tâm, trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng xã hội trong và ngoài tỉnh. Qua đây làm tăng thêm sức mạnh văn hóa truyền thống của vùng Nam bộ nói riêng, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
Đây cũng là dịp để các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ, năng lực sáng tạo, biểu diễn, truyền dạy, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân và yêu cầu bảo tồn, phát huy loại hình di sản này.
“Với những giá trị hiện hữu và tầm vóc một di sản thế giới được UNESCO vinh danh, thông qua các hoạt động giao lưu thực tiễn như hôm nay, chúng tôi hy vọng ĐCTT sẽ trở thành nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng đặc sắc để các địa phương và doanh nghiệp lữ hành có thể phát triển trở thành sản phẩm đặc thù phục vụ phát triển du lịch tỉnh” - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh./.
Song Nhi