Ngọt ngào vị mứt tết
Chẳng ai nhớ từ khi nào mà nhiều hộ dân ở ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ bắt đầu làm mứt để bán dịp tết. Chỉ biết rằng, công việc này đã có từ lâu và trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây.
Làm mứt tết trở thành nghề truyền thống ở ấp 5, xã Lạc Tấn
Là một trong những cơ sở sản xuất mứt tết lâu năm và có thương hiệu trên thị trường, mỗi năm Cơ sở mứt Huỳnh Ngọc Lan (ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) cung cấp cho thị trường hơn chục tấn mứt me và mứt gừng truyền thống. Được biết, vào khoảng đầu tháng 8 Âm lịch hàng năm, cơ sở lại bắt đầu “đỏ lửa”, tất bật chuẩn bị những mẻ mứt thơm ngon để giao cho khách hàng.
Chị Huỳnh Ngọc Lan cho biết: “Mỗi dịp tết, cơ sở lại chuẩn bị các sản phẩm mứt để cung ứng cho thị trường. Thông thường, cơ sở chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng chứ không bán lẻ. Giá mứt dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg. Để có được sản phẩm chất lượng, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến, đóng gói đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Mứt gừng và mứt me của cơ sở được chế biến bằng phương pháp thủ công và bí quyết riêng nên hương vị rất tự nhiên và được nhiều khách hàng ưa chuộng”.
Giá cả các loại mứt của cơ sở Huỳnh Ngọc Lan dù có “nhỉnh” hơn so với thị trường nhưng lượng khách ngày càng tăng. Chị Nguyễn Thu Vân (khu phố Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ) cho biết: “Hàng năm, tôi đều đặt mua mứt gừng ở cơ sở mứt Huỳnh Ngọc Lan để bán và tặng người thân. Mứt ở cơ sở này chất lượng và hương vị cũng đặc biệt, người lớn hay trẻ nhỏ đều rất thích”.
Với chị Lan, uy tín, chất lượng và thương hiệu là những điều quan tâm hàng đầu. “Chúng tôi đầu tư hệ thống màn giăng để tránh ruồi nhặng khi phơi mứt. Hệ thống này được thay mới hoàn toàn qua từng năm. Ngoài ra, cơ sở có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có đăng ký nhãn hiệu và công bố sản phẩm đầy đủ theo quy định” - chị Lan cho biết thêm.
Cơ sở mứt Út Hương cũng là một trong những cơ sở có truyền thống làm mứt tết ở ấp 5, xã Lạc Tấn, đặc biệt là mứt me. Trung bình mỗi năm, cơ sở cung ứng cho thị trường khoảng 1 tấn mứt me. Theo chị Hương, để chế biến mứt me có vị chua chua, ngọt ngọt và không bị nát phải trải qua nhiều công đoạn: Cắt cuống me, tách vỏ, bỏ hạt, xăm trái, ngâm muối hột, sên, phơi nắng và đóng gói. Các khâu sản xuất đều làm thủ công nên chất lượng của sản phẩm luôn được bảo đảm.
Chị Hương chia sẻ: “Năm nay, giá thuê nhân công và nguyên vật liệu tăng cao; đồng thời, nguồn me để làm mứt cũng khan hiếm nên có thể giá mứt tăng khoảng 10% so với năm trước”. Chị Hương còn cho biết thêm, năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, cơ sở cũng giảm số lượng đơn hàng.
Rộn ràng làng hoa Sa Đéc
Còn khoảng 2 tháng nữa mới đến tết nhưng thời điểm này, đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao, phường Tây Quy Đông (hay còn gọi là làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp) với đoạn đường dài hơn 2km đã thu hút đông đảo du khách gần, xa. Theo ước tính, mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của làng hoa 100 năm tuổi này.
Nông dân làng hoa Sa Đéc tất bật chăm sóc hoa, kiểng để phục vụ tết
Hoa, kiểng tại đây được trồng quanh năm nhưng nở rộ nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Theo ước tính, năm nay sẽ có khoảng 100ha hoa kiểng, cây cảnh được trồng để phục vụ tết, trong đó các loại hoa như cúc mâm xôi, hồng, sao nhái đã được xuống giống từ đầu tháng 10 Âm lịch, còn một số hoa ngắn ngày thì vừa được nông dân xuống giống. Bên cạnh đó, nông dân làng hoa Sa Đéc còn trồng thêm nhiều loại cây mới như thạch thảo, dâu tây trong chậu, mai Ấn Độ, tiểu la lan, cát tường,... để giúp khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn.
Theo những người trồng hoa ở làng hoa Sa Đéc, thời tiết năm nay bất lợi vào giai đoạn ươm cây giống, giá vật tư nông nghiệp tăng khoảng 20-25% so với vụ hoa năm trước. Ông Nguyễn Văn Tiếp, ngụ xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Khi bắt đầu ươm giống, mưa liên tục nhiều ngày nhưng sau đó thì thời tiết thuận lợi hơn, trời lập đông sớm hơn mọi năm nên hoa phát triển khá tốt”.
Năm nay, do lo ngại tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ, nhiều nông dân chủ động giảm số lượng hoa chuyên phục vụ thị trường tết và tăng số lượng hoa có thời gian sống dài ngày. Bà Nguyễn Thị Loan, ngụ phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, cho hay: Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp đến, nhiều hộ dân tại làng hoa chủ động giảm lượng hoa vạn thọ, cúc, mào gà,... và tăng số lượng hoa trang, hồng, cây hạnh (tắc),... “Năm nay, gia đình tôi trồng khoảng 15.000 chậu hoa trang vàng để bán tết. Hoa phát triển tốt hơn năm trước nhưng giá cả lại đang rất thấp. Giá mỗi chậu trang chỉ dao động từ 25.000-27.000 đồng nên chúng tôi rất lo lắng” - bà Loan cho biết thêm. Ngoài ra, vẫn như mọi năm, nhiều nhà vườn ở làng hoa Sa Đéc đang tất bật trang trí vườn hoa và tạo thêm nhiều tiểu cảnh để du khách có thể đến tham quan, chụp ảnh miễn phí.
Tết Tân Sửu 2021 đang đến gần, người làm mứt, trồng hoa đang tất bật chăm chút cho từng mẻ mứt, chậu hoa với kỳ vọng một vụ tết thật nhiều thắng lợi./.
Bùi Tùng