Tiếng Việt | English

21/09/2016 - 07:02

Mỹ thuật 30 năm đổi mới: Cửa đã thật sự mở?

Từ ngày 21-28/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm “Mở cửa”- Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986-2016)

Chưa khi nào giới mỹ thuật và yêu mỹ thuật Việt Nam lại háo hức với triển lãm “Mở cửa” - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986 - 2016), của 50 tác giả tiêu biểu. Cái tên “Mở cửa” gợi rất nhiều ý nghĩa, không chỉ trong sáng tạo về thể loại, chất liệu mà còn phong cách, nội dung sáng tác… Nhưng “Mở cửa” đã thật sự “mở cửa” chưa?

Như một sự ra mắt để khẳng định sự phát triển, khẳng định những đổi mới, sáng tạo vượt qua khung truyền thống, vượt qua những “mẫu mực” của những cây đa cây đề, của trường phái “Mỹ thuật Đông Dương” hay các style của mỹ thuật Liên Xô, Trung Quốc…., “Mở cửa” có thể nói đã cho giới mỹ thuật Việt và công chúng cái nhìn tương đối hoàn chỉnh về một thời kỳ sáng tác nhiều biến động, nhưng rất thú vị bởi sự đa phong cách, đa trường phái, đa ngữ nghĩa...

Nhưng “Mở cửa” đã rộng chưa? Hay vẫn chỉ là ngập ngừng he hé cánh cửa như vừa mở vừa thăm dò?

Tác phẩm "Hà Nội 1972"- Sơn dầu- Tác giả:Nguyễn Trung Tín sẽ được giới thiệu tại triển lãm.

50 tác phẩm- 50 tác giả, cửa có “mở”?

Một sự chọn lựa kỹ càng, nghiên cẩn, có giám tuyển “chất lượng cao” và lại có đổi mới để tự tác giả lựa chọn tác phẩm tâm đắc nhất của mình tham dự, 50 tác phẩm của 50 tác giả trong toàn quốc, tuổi đời cao nhất 88 tuổi, trẻ nhất 32 tuổi, được chọn có thể nói như một đại diện xuất sắc của Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn 1986- 2016.

Cho dù trong cuốn sách ảnh mỗi tác giả được phép chọn 3 tác phẩm, thì tổng thể triển lãm “Mở cửa” cũng chỉ có 150 tác phẩm được triển lãm và công bố. Một con số quá khiêm tốn, thậm chí chỉ có thể nói quá mỏng và chắc chắn chưa thể nói điều gì nhiều về cả giai đoạn sáng tác này.

Khi mà diện mạo nghệ thuật của thời kỳ này trên thế giới cũng thay đổi với nhiều xu hướng: “Đa sắc, đa hình, đa tình, đa ý”. Không chỉ có trường phái Trừu tượng vẽ, nặn, tạc… những gì “không rõ hình thù” trở lại, mà còn có trường phái Biểu hiện với “những hình thể vặn vẹo, sắc màu u uất” lên ngôi. Không chỉ có chuyện tình dục, nude và những uẩn khúc của “cái tôi” phơi trần, mà còn có cả những gì trần trụi nhất của cuộc sống đương đại được đưa vào tác phẩm như tiếng nói thời đại.

Không chỉ có những quy chuẩn mặc định hàng bao nhiêu thế kỷ tồn tại các loại hình nghệ thuật trong ngành Mỹ thuật như: Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc, Mỹ thuật ứng dụng mà còn du nhập những thứ mới mẻ, tân kỳ và nhiều ngẫu hứng như : Installation, Performance, Land Art, Body Art, Video Art…

Triển lãm giúp công chúng có một cái nhìn khái quát về đời sống mỹ thuật Việt Nam trong 30 năm đổi mới của đất nước (1986 - 2016). (Tác phẩm "Hạt gạo" - Sơn dầu - Tác giả:Lê Thiết Cương).
Rồi chất liệu trong sáng tác tác phẩm không ngừng đổi mới, không chỉ những chất liệu truyền thống đặc trưng của ngành mỹ thuật mà hiện tại, bất kể cái gì thuộc về vật chất đều có thể là vật liệu để sáng tác tác phẩm, kể cả những chất liệu không nắm bắt được như “không khí” hay rất siêu thực như “nước”…

Về triển lãm tác phẩm, chỉ tính trong 5 năm từ 2009 - 2014 ngành Mỹ thuật Việt Nam đã có 181 triển lãm tác phẩm, trong đó có 45 Triển lãm Mỹ thuật khu vực và có 455 giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam, khu vực; Đặc biệt là 599 tác phẩm nằm trong Bộ sưu tập Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2010- 2014, hay triển lãm 116 tác phẩm của 116 tác giả trong Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2015, toàn những tác phẩm có chất lượng cao…

Rồi các tác phẩm đoạt giải từ các cuộc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 5 năm/ lần, Triển lãm điêu khắc 10 năm/ lần, Festival Mỹ thuật trẻ 3 năm/ lần, các cuộc triển lãm khác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức… , sẽ còn có bao nhiêu tác phẩm xuất sắc?

Thử điểm trong danh mục tác phẩm của “Mở cửa” có bao nhiêu tác phẩm đoạt giải trong các triển lãm đó? Chưa kể các tác phẩm trong triển lãm cá nhân được đánh giá cao của giới mỹ thuật trong nước và quốc tế…

Tác phẩm nào đã đạt tới “đỉnh cao”?

Có rất nhiều quan điểm trong vấn đề “định giá” chất lượng tác phẩm nghệ thuật “đỉnh cao” nói chung, tác phẩm mỹ thuật nói riêng, nhưng đều có chung một số quy chuẩn để có thể xếp loại: Tác phẩm có sáng tạo mới trong nghệ thuật sáng tác, có thể tạo thành một xu hướng sách tác mới, tạo ra thể loại mới, hay phát triển một thể loại cũ sang hình thái mới.

Tác phẩm Tuổi thơ tôi- Sơn mài- Tác giả: Thành Chương.
Tác phẩm gây ấn tượng về nội dung biểu đạt, mang ý nghĩa biểu trưng của thời đại, của giới…; Tác phẩm có ảnh hưởng sâu sắc tới cộng đồng xã hội.
Và trên hết nó có được một bảo tàng mỹ thuật hay bảo tàng nghệ thuật nào mua- trưng bày như “tài sản” của bảo tàng? Một “kênh” định giá tác phẩm “đỉnh cao” rất có giá trị và uy tín.

50 tác phẩm trong “Mở cửa”, có tác phẩm nào đánh dấu- như dấu ấn của một xu hướng mới trong sáng tác của tác giả? Có tác phẩm nào như một tác phẩm tiên phong sáng tạo mới? Có tác phẩm nào tạo ấn tượng trong cộng đồng?

Ngay như chính các tác giả khi chọn tác phẩm của mình tham gia “Mở cửa”, cũng chưa hẳn là tác phẩm “đỉnh” của mình mà chọn theo tiêu chí của triển lãm.

Và liệu sau đó có tác phẩm nào sẽ lọt vào tầm ngắm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hay Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM? Và các bảo tàng khác?

Sẽ còn rất sớm để có những nhận xét thấu đáo về “Mở cửa”. Hy vọng trong phạm vi triển lãm này có vài cuộc hội thảo hay trao đổi giữa các tác giả với công chúng, giữa những người cùng giới mỹ thuật với nhau, giữa những tác giả Việt Nam với các nhà Lý luận phê bình mỹ thuật… để có thể nhận biết giá trị đích thực của “Mở cửa”, như một cách nhìn nhận, đánh giá chính xác giai đoạn sáng tác này, để có thể tiếp tục đưa nền Mỹ thuật Việt Nam thật sự có “tiếng”, có “miếng” cùng nền mỹ thuật thế giới./.

Hoài Hương/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết