Nhà sách Trung Tâm nỗ lực chuẩn bị sách giáo khoa phục vụ năm học mới
Dù năm học đã bắt đầu được một khoảng thời gian nhưng phụ huynh HS vẫn còn những nỗi lo riêng, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Trăn trở về những khoản phí đầu năm
Năm học mới là khoảng thời gian bà Nguyễn Thị Hồng Nguyệt (64 tuổi, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) trăn trở về những khoản phí đầu năm. Gia đình bà Nguyệt có 4 cháu ngoại, trong đó 3 cháu trong độ tuổi đến trường. Bà và chồng phải gồng gánh lo cho các cháu ăn học. Dịch Covid-19 làm công việc bảo vệ của chồng bà và việc kết hạt cườm tại nhà của bà bị ảnh hưởng không ít. Từ tháng 6 đến nay, thu nhập của gia đình bà giảm nhiều so với trước.
Bà Nguyệt tâm sự: “Ba, mẹ của các cháu ly hôn và đi làm xa nên vợ chồng tôi nuôi các cháu từ nhỏ. Thương các cháu chịu nhiều thiệt thòi, vợ chồng tôi cố gắng chăm lo đầy đủ nhất cho các cháu và lấy tình thương để bù đắp. Mỗi khi đến năm học mới, tôi trăn trở lắm nhưng năm nay có lẽ là khó khăn nhất. Tiền không đủ lo chi phí sinh hoạt hàng ngày nhưng tôi cũng ráng tiết kiệm để mua vài thứ cần thiết cho các cháu bước vào năm học mới”.
Phần nào lo được thì bà Nguyệt ráng lo, phần nào chưa lo được bà động viên các cháu cố gắng dùng tạm đồ cũ. Bà kể: “Nhờ có sách cũ, đồ dùng học tập cũ nên các cháu có thể dùng tạm cho năm học mới. Cháu nào không có sách cũ thì phải mua. Thương nhất cháu gái năm nay lên lớp 10, gia đình không có tiền may áo dài nên mặc lại đồ cũ”.
Dịch Covid-19 làm chị Nguyễn Thị Kim Thanh (31 tuổi, ở trọ trên địa bàn xã Phước Lợi, huyện Bến Lức) gặp nhiều khó khăn. Chồng chị Thanh làm công nhân bốc vác tại Khu công nghiệp Thuận Đạo. Tiền lương của anh cũng là thu nhập chính của gia đình nhưng dịch bệnh nên anh mất việc làm. Gia đình chị có 2 con nhỏ (1 bé 3 tuổi và 1 bé 5 tuổi). Năm nay, con gái lớn của chị Thanh chuẩn bị học mầm non nhưng vì gánh nặng các khoản phí đầu năm học nên chị chưa dám đăng ký nhập học cho con.
Chị Thanh thổ lộ: “Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì lương của chồng cộng tiền kiếm được từ may gia công tại nhà của tôi và tiêu xài tiết kiệm cũng đủ trang trải. Nhưng mấy tháng nay, không có việc làm, phải lo tiền nhà trọ, tiền ăn của các con,... vợ chồng tôi cũng rối lắm. Có lẽ con gái tôi phải bỏ lỡ năm học này”.
Thiếu thiết bị phục vụ học trực tuyến
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 101.256 HS từ cấp tiểu học đến THPT (chiếm 42%) không có khả năng mua sắm máy tính, máy tính bảng, tivi phục vụ học trực tuyến. Trong đó, có 2.803 HS thuộc hộ nghèo, 5.675 HS thuộc hộ cận nghèo và 92.778 HS thuộc đối tượng khác. Bước vào năm học mới với hình thức học trực tuyến, nhiều HS THCS, THPT tuy gặp khó khăn về thiết bị phục vụ học tập nhưng cũng nỗ lực, quyết tâm để được tham gia lớp học cùng các bạn. Các em sử dụng điện thoại thông minh của người thân, đến nhà bạn học cùng,... tuy nhiên cũng khá bất tiện.
Tính đến nay, tỉnh tiếp nhận 1,6 tỉ đồng hỗ trợ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Trong đó, Hội Khuyến học tỉnh hỗ trợ 1 tỉ đồng, Viettel Long An hỗ trợ 300 triệu đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Long An hỗ trợ 300 triệu đồng. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo phối phợp Sở Thông tin và Truyền thông xúc tiến thực hiện chương trình để HS, sinh viên nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 chưa có máy tính, đặc biệt HS lớp 9, THPT sớm có thiết bị học trực tuyến. |
Bà Nguyễn Thị Dòn (ấp Vĩnh Phước, xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) bộc bạch: “Nhà tôi có 3 cháu nội, cháu ngoại đang đi học. Trong đó, 1 cháu học lớp 3 đang học trên truyền hình; 2 cháu học lớp 9 và lớp 10 vừa học trực tuyến với trường, vừa học trên truyền hình. Các cháu không có điện thoại riêng nên sử dụng điện thoại của cha mẹ để học. Hiện nay, các con tôi chưa đi làm lại nên có thể cho mượn điện thoại nhưng nếu đi làm lại thì rất khó. Gia đình lại không có tiền mua điện thoại mới cho các cháu học. Ngoài ra, học trên truyền hình mà trùng thời gian thì chỉ có 1 cháu được học”.
Huỳnh Mai Xuân vẫn mặc đồng phục cũ khi tham gia học trực tuyến
Ngoài thiếu thiết bị phục vụ học trực tuyến, nhiều HS bị ảnh hưởng việc học do đường truyền Internet yếu. Huỳnh Mai Xuân (HS lớp 10A8, Trường THPT Thủ Thừa) tâm sự: “Em đăng ký gói cước tháng để phục vụ học trực tuyến nhưng nhiều lúc mạng yếu, không thể vào học lại hoặc dung lượng hết phải đăng ký thêm. Những lúc như vậy, em bị mất một đoạn bài giảng, phải hỏi lại thầy cô, bạn bè”.
Những vấn đề trên cũng là “bài toán khó” trong năm học đặc biệt này. Góp phần tháo gỡ khó khăn đó, tỉnh thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động nhằm hỗ trợ HS, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được học trực tuyến. Theo đó, tỉnh mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ kết nối Internet băng thông rộng cố định, bảo đảm duy trì phủ sóng 100% địa bàn với chất lượng kết nối Internet di động đúng theo quy chuẩn quốc gia. HS, sinh viên nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 là con trong gia đình có cha hoặc mẹ mất do dịch Covid-19 chưa có máy tính sẽ được hỗ trợ thiết bị phục vụ học trực tuyến; đồng thời, được hỗ trợ các gói cước phục vụ học trực tuyến và miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố, khuyến nghị sử dụng./.
Đơn vị đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn sách giáo khoa phục vụ năm học mới từ đầu tháng 5/2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh mà nguồn cung gặp khó khăn. Được các sở, ngành quan tâm, tạo điều kiện cho nhà sách hoạt động cũng như vận chuyển hàng hóa, thời điểm này, nhà sách cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Nhà sách cũng tổ chức bán hàng trực tuyến, giao sách đến tận nhà cho học sinh trong lúc dịch bệnh. Bên cạnh đó, với một số đầu sách còn thiếu, nhà sách đang nỗ lực liên hệ các nhà cung cấp nhằm kịp thời cung ứng cho khách hàng khi bước vào năm học mới”.
Giám đốc Nhà sách Trung Tâm - Lâm Quốc Hiệu
|
Đặng Tuấn