Đây là chỉ số thể hiện sự tín nhiệm của doanh nghiệp đối với các cơ chế, chính sách của cơ quan nhà nước về môi trường sản xuất, kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính để phát triển doanh nghiệp.
Mới đây, theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2016, chỉ số PCI của Long An xếp thứ 15 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Tốt với 60,65 điểm; tụt giảm 6 bậc và giảm 0,21 điểm so năm 2015. Năm 2014, PCI của Long An xếp hạng 7/63 tỉnh, thành.
So với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Long An từ vị trí thứ 2/13 năm 2015, tụt xuống thứ 5/13, sau Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre và Kiên Giang. 10 chỉ số thành phần của Long An đều được đánh giá tốt. Các chỉ số thành phần PCI của Long An tăng điểm là tính năng động của lãnh đạo, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Điều này thể hiện vai trò quan trọng trong điều hành kinh tế của lãnh đạo địa phương và hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Theo đó, một loạt hoạt động được tỉnh triển khai: Tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư, đưa vào sử dụng Trung tâm Phục vụ hành chính công, tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường, thường xuyên đối thoại doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,... Kết quả của sự năng động đó được ghi nhận.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn có đến 7/10 chỉ số giảm điểm so với năm trước, chỉ tiêu tụt giảm mạnh nhất là đào tạo lao động; đáng lưu ý là chỉ số về chi phí không chính thức, chi phí thời gian để thực hiện các quyết định của Nhà nước, tính minh bạch và tiếp cận thông tin giảm.
Điều này cho thấy, hiệu quả của cải cách hành chính chưa cao, doanh nghiệp còn phàn nàn về tính minh bạch và chi phí không chính thức. Đó là điều cần phải được mổ xẻ để không chỉ tạo sự hài lòng cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư mà còn vì uy tín của hệ thống chính trị trong tỉnh.
Với quyết tâm nâng cao chỉ số PCI, cải thiện môi trường đầu tư, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành liên quan vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, kết quả chưa như mong muốn, bởi nhiều tỉnh, thành khác cũng ra sức phấn đấu. Hạn chế này, chắc chắn sẽ được tỉnh mổ xẻ, phân tích, tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Mặt khác cho thấy, tăng PCI là việc khó, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành cùng nỗ lực cải cách hành chính trên các lĩnh vực quan trọng. Công việc này phải làm thường xuyên, liên tục, vừa cấp bách, vừa lâu dài để tạo tính ổn định; trong đó, vai trò của cán bộ, công chức hết sức quan trọng, nhất là ở các bộ phận liên quan, “nhạy cảm”. Không được thỏa mãn, chủ quan trước một số kết quả. Đồng thời, cần kiên quyết xử lý các loại “cò” giấy tờ (nếu phát hiện) để giảm mạnh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh với tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy là tập trung vào cuộc quyết liệt, quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu trong năm; lấy tinh thần khởi nghiệp, kiến tạo và hành động để điều hành kinh tế, trong đó có chú trọng nâng cao chỉ số PCI./.
Kim Quy