Tiếng Việt | English

05/12/2024 - 09:04

Nâng cao nhận thức phân loại rác tại nguồn

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) nêu rõ, rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 nhóm: Rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thực phẩm; rác sinh hoạt khác. Trong đó, từ ngày 31/12/2024, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn. Nếu sau thời gian trên không thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng.

Thời gian qua, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền phân loại rác tại nguồn

Đẩy mạnh tuyên truyền

Quy định này của Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực áp dụng là một bước tiến mới trong công tác BVMT và kỳ vọng tạo thay đổi ý thức, nhận thức của cả cộng đồng trong việc xử lý rác.

Để người dân biết chế tài theo quy định pháp luật và thực hiện, thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như sinh hoạt, họp, hệ thống truyền thanh, mạng xã hội, phát tờ rơi,...

Ngoài các cơ quan báo chí ở tỉnh, thời gian qua, hệ thống truyền thanh cơ sở cũng tăng mức độ tuyên truyền, phổ biến về phân loại rác tại nguồn. Các cấp, các ngành, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân.

Nhiều đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến phân loại rác tại nguồn và ý nghĩa, hiệu quả để cán bộ, hội viên và người dân biết, hiểu, đồng lòng thực hiện.

Theo Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) - Trần Thị Mộng Thu, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 95%.

Để thực hiện mục tiêu này và quy định tại Điều 79 Luật BVMT năm 2020, gần đây, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành tập trung triển khai, thực hiện nghiêm các chỉ đạo về tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; tập trung thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để không ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh yêu cầu triển khai, thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, đặc biệt rà soát, bố trí và công bố điểm tập kết để người dân thực hiện, góp phần trong công tác quản lý lượng rác phát sinh được thu gom, vận chuyển và xử lý.

Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu triển khai, thực hiện đồng bộ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để giảm lượng chất thải rắn cần phải xử lý; đồng thời, hướng dẫn người dân khu vực nông thôn ủ phân compost tại hộ gia đình, cá nhân.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo triển khai, thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn ở cơ quan, đơn vị, theo nguyên tắc chia thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại khoản 1, Điều 75 Luật BVMT năm 2020.

UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động của đơn vị nghiêm túc triển khai, thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Còn nhiều khó khăn

18 giờ, dọc tuyến đường trong Khu dân cư Lợi Bình Nhơn (TP.Tân An), một số người dân tay xách túi lớn, túi nhỏ chứa rác sinh hoạt ra để ở bên góc đường để hôm sau xe rác đến thu gom.

Khi được hỏi về quy định phân loại rác tại nguồn, nhiều người cho hay, được các cấp, các ngành tuyên truyền và qua thông tin đại chúng cũng biết quy định này, thời gian qua, việc thu gom rác hữu cơ, vô cơ được phân chia theo các ngày trong tuần. Thế nhưng, người dân ở khu vực vẫn để rác lẫn lộn và đưa ra bên lề đường cho xe rác đến lấy. Khu vực này thời gian qua bỗng dưng hình thành một điểm đặt rác tự phát, vứt bừa bãi chứ không có thùng chứa rác.

Cũng có những người còn khá lấn cấn về tính hiệu quả và chấp hành quy định phân loại rác tại nguồn. Chị N.T.L. (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) cho biết, đến ngày 31/12/2024 phải phân loại rác tại nguồn, dù hiện nay đã đầu tháng 12 nhưng chưa thấy có sự thay đổi trong việc thu gom rác.

Nhiều người ở cùng xóm vẫn để rác chung, lẫn lộn chứ không thấy ai phân loại. Có người thì lại cho rằng cứ chờ đến ngày 31/12/2024 xem việc phân loại rác tại nguồn và thu gom như thế nào. Nếu mọi người thực hiện thì cũng thực hiện theo.

Ông Nguyễn Văn Chương (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) rất đồng tình ủng hộ quy định phân loại rác tại nguồn. Theo ông Chương, điều đó không chỉ góp phần BVMT mà còn bảo vệ sức khỏe, tạo ra lợi ích kinh tế, xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Tuy nhiên, để phân loại rác đạt hiệu quả phải có quyết tâm cao và thực hiện đồng bộ. Ngành chức năng cần giám sát chặt việc thu gom, phân loại rác; thường xuyên kiểm tra và xử lý các hành vi xả rác gây ô nhiễm bởi nhiều lần vẫn thấy nhiều người sáng đi làm cầm theo túi rác rồi ngang nhiên vứt ở các bãi đất trống, ven quốc lộ.

Dù phân loại rác tại nguồn sẽ gặp khó nhưng cũng không phải là điều lạ lẫm. Thực tế, trước đây, ở tỉnh cũng đã có địa phương thực hiện nhưng vì nhiều lý do như ít người phân loại, hơn nữa việc thu gom lại bất cập nên không thể duy trì được.

Ngoài ra, thời gian qua, trong khuôn khổ dự án quản lý chất thải rắn tỉnh do Tổ chức WWF - Việt Nam hỗ trợ, tỉnh thí điểm phân loại rác tại nguồn ở một số địa bàn của TP.Tân An và huyện Vĩnh Hưng.

Thực hiện mô hình, đơn vị đã tài trợ phương tiện thu gom rác hữu cơ sau phân loại là túi đựng rác và thùng rác tại hộ gia đình; máy móc, thiết bị cho quy trình sản xuất phân compost;...

Những cách thức, biện pháp thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn đã mang lại kết quả khả quan, tích cực. Phân loại rác thải tại nguồn góp phần giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý; đồng thời, tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải gây ra. Đó cũng là cơ sở, kinh nghiệm đúc kết để triển khai, thực hiện trên toàn tỉnh.

Luật đã ban hành, quy định đã rõ, bài học kinh nghiệm đã có, tuy nhiên để được hiệu quả trong thực tế cần sự quyết tâm thực hiện và triển khai đồng bộ giữa phân loại rác với thu gom, xử lý./.

Từ ngày 02/6/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND quy định về việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Theo quy định này, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, kim loại, nhựa, thủy tinh, cao su, nylon, nhóm tương đương khác); chất thải thực phẩm (nhóm thức ăn thừa; lá cây, rau, củ, quả; vỏ, hạt trái cây; bã mía, bã trà, cà phê; xác động vật; thủy sản, vỏ tôm, cua, trứng; nhóm tương đương khác); chất thải rắn sinh hoạt khác (các loại chất thải rắn sinh hoạt còn lại).

Tiêu chí phân loại đạt khi thành phần chất thải thực phẩm hoặc thành phần chất thải rắn sinh hoạt khác lẫn dưới 10% khối lượng chất thải khác nhóm trong danh mục nhóm chất thải phân loại theo quy định. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bố trí 3 khu vực, thùng chứa khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau.

Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về BVMT theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT.

Quy định cũng quy định cụ thể tuyến đường, thời gian và phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, tần suất và địa điểm thu gom, vận chuyển. Bên cạnh đó, còn phân công, nêu rõ trách nhiệm của các bên liên quan như hộ gia đình, cá nhân; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; chủ cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Ngoài ra, quy định nêu rõ trách nhiệm của các sở, ngành, UBMTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí ở tỉnh và các địa phương. Trong đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp triển khai, thực hiện quy định.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết