Đa dạng hình thức truyền thông
Năm 2024, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An triển khai nhiều hoạt động tăng hiệu quả các hoạt động thông tin, truyền thông về các chính sách, chương trình giảm nghèo. Cụ thể, trong năm, huyện tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở. Bên cạnh đó, huyện chủ động phối hợp viết bài trên Báo Long An tuyên truyền về chính sách, hoạt động giảm nghèo.
Đồng thời, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện thiết kế Infographic trực quan, dễ hiểu. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện xây dựng chuyên mục phát thanh mang tên Tân Trụ Truyền thông và Giảm nghèo. Mỗi tháng có 2 chuyên mục, mỗi chuyên mục phát 2 lần trong chương trình thời sự sáng, chiều qua đài truyền thanh đến các xã, thị trấn.
Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Tân Trụ hiện có 283 hộ nghèo và 477 hộ cận nghèo, giảm so với năm 2023 (302 hộ nghèo, 496 hộ cận nghèo). Kết quả này là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp địa phương cùng người dân chung tay vươn lên giảm nghèo, thoát nghèo.
Người dân thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ có thể theo dõi các thông tin về giảm nghèo thông qua trang Zalo UBND thị trấn Tân Trụ
Thị trấn Tân Trụ là một trong những địa phương làm tốt công tác giảm nghèo về thông tin. Số hộ nghèo và cận nghèo giảm liên tục qua các năm, từ 102 hộ (38 hộ nghèo và 64 hộ cận nghèo) vào cuối năm 2023 xuống còn 75 hộ (22 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo) sau 6 tháng đầu năm 2024. Dự kiến cuối năm 2024, thị trấn sẽ giảm thêm 7 hộ nghèo.
Để đạt kết quả trên, thị trấn triển khai nhiều hoạt động truyền thông đa dạng, từ loa đài, trang thông tin điện tử, ZOA (tài khoản chính thức của tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan,... được công nhận trên Zalo) đến các buổi họp dân, chi, tổ hội, Đồng thời, thị trấn còn niêm yết các chính sách, dự án giảm nghèo tại các bảng tin trong những khu dân cư đông đúc.
Toàn thị trấn có 18 trạm loa có thiết âm hiện đại, được lắp đặt khắp các khu phố. Đặc biệt, địa phương tăng cường phối hợp các nhà mạng như Viettel, Mobifone,... cung cấp sim, gói cước miễn phí trong 1 năm cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Nhờ sự nỗ lực của hệ thống chính trị, thông tin về giảm nghèo được “phủ sóng” đến mỗi người dân. Bên cạnh đó, các mô hình như Góp vốn 0 đồng cho người bán vé số, Biến rác thành tiền giúp các tiểu thương nghèo cùng nhiều đợt trao tặng quà cho các gia đình góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo ở thị trấn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ khó khăn, đặc biệt là người già neo đơn, bệnh tật không biết dùng điện thoại thông minh, khó nghe rõ tin tức trên loa đài. Vì vậy, cán bộ chuyên môn cần đến tận nhà để trao đổi, thông tin cho người dân.
Giúp hộ dân vươn lên thoát nghèo
Xã Nhựt Ninh là một trong những địa phương không ngừng đổi mới các hình thức tuyên truyền, nâng cao chất lượng thông tin về giảm nghèo để người dân dễ dàng tiếp cận. Xã tận dụng các kênh thông tin như loa đài, nhóm Zalo chi, tổ hội, trang thông tin điện tử để tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo và các mô hình sản xuất hiệu quả.
Hiện nay, xã nâng cấp hoàn thiện các trạm loa trên cả 5 ấp; chuẩn bị lắp đặt trạm loa mới ở ấp Thuận Lợi. Các thông tin được “lên sóng” đều được tổ biên tập là cán bộ văn hóa, truyền thanh của xã chọn lọc, lên tin, bài. Đồng thời, UBND xã sẽ phát thanh các bản tin về nâng cấp sim số đến người dân, phối hợp VNPT tại huyện Tân Trụ tặng sim miễn phí, hỗ trợ gói cước cho hộ nghèo, cận nghèo. Việc nâng cấp hệ thống loa đài và cung cấp sim miễn phí cho hộ nghèo giúp cải thiện đáng kể việc tiếp cận thông tin của người dân.
Ông Nguyễn Văn Chua (ấp Nhựt Hòa, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) đang pha thuốc chuẩn bị xịt thanh long
Biết rõ hơn các thông tin về chính sách, dự án giảm nghèo, nhiều hộ dân hăng hái tham gia và vươn lên thoát nghèo thành công, tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Chua (SN 1963, ngụ ấp Nhựt Hòa, xã Nhựt Ninh). Trước đây, ông Chua nhận xịt thuốc thanh long thuê cho nông dân, mỗi ngày khoảng 200.000-300.000 đồng. Số tiền này chỉ đủ trang trải việc ăn uống, sinh hoạt trong gia đình. Vì thường xuyên tiếp xúc với hóa chất nên giờ đây sức khỏe ông Chua giảm sút nhanh, sau một ngày làm phải nghỉ cả tuần mới hồi phục.
Để bảo đảm kinh tế gia đình, ông tham gia vào nhiều dự án của xã như chăn nuôi bò giống, vay vốn ngân hàng chính sách,... Đến năm 2022, nhờ sự nỗ lực của ông và các con, gia đình ông Chua thoát nghèo thành công.
Ông Chua chia sẻ: “Tôi rất biết ơn các nhà hảo tâm, địa phương hỗ trợ gia đình tôi có mái ấm đẹp, nhiều điều kiện ổn định kinh tế, miễn giảm học phí cho các con khi đến trường. Nhờ đó, tôi mới có thể nuôi 2 người con trưởng thành, tìm được việc làm ổn định giúp gia đình thoát nghèo thành công”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nhựt Ninh - Nguyễn Tấn Thưởng, năm 2023, xã có 48 hộ nghèo, 35 hộ cận nghèo. Đến nay, toàn xã còn 40 hộ nghèo, 36 hộ cận nghèo. Dự kiến cuối năm 2024, xã giúp thoát nghèo 9 hộ, thoát cận nghèo 6 hộ.
Ông Thưởng thông tin: “Năm 2024, xã triển khai Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với mô hình nuôi bò giống cho 10 hộ dân, mỗi hộ 1 con bò trị giá 15 triệu đồng. Để giúp các hộ dân nâng cao tay nghề, 6 tháng đầu năm 2024, xã mở lớp trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tại ấp Nhựt Tân cho 30 học viên tham gia. Đây là một trong các lớp đào tạo nghề về nông nghiệp nhằm khuyến khích người dân thuộc diện khó khăn tham gia”.
Với những nỗ lực, công tác giảm nghèo về thông tin tại huyện Tân Trụ kịp thời giúp người dân tiếp cận tin tức, các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo. Sắp tới, huyện tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế./.
Hoàng Lan