(Nguồn: NASA)
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố sau hai thập kỷ nghiên cứu và phát triển, các chuyên gia của cơ quan này đã hoàn tất công đoạn cuối cùng để cho ra đời kính viễn vọng James Webb - kính viễn vọng không gian lớn nhất thế giới hiện nay.
Dự kiến NASA sẽ đưa kính viễn vọng này lên quỹ đạo vào tháng 10/2018 bằng tên lửa Ariane 5, phóng lên từ Guiana, một tỉnh hải ngoại của Pháp nằm ở phía Bắc khu vực Nam Mỹ.
Phát biểu với báo giới ngày 2/11, nhà khoa học John Mather, từng đoạt giải thưởng Nobel và là chủ nhiệm của dự án chế tạo kính viễn vọng James Webb, bày tỏ vui mừng trước sự kiện này, khẳng định James Webb sẽ mở ra một "lãnh địa hoàn toàn mới" trong lĩnh vực thiên văn học.
Ông cho biết các nhà khoa học đang tiến hành kiểm tra, thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi đưa kính viễn vọng này vào không gian.
Đến nay, các kỹ sư và kỹ thuật viên của NASA đã hoàn thành việc các công việc quan trọng như đo lường quang học, kiểm tra độ cong, hình dạng mặt gương của kính viễn vọng James Webb.
Tiếp theo, Trung tâm Kiểm tra độ cong sẽ tiến hành nhiều cuộc kiểm tra khác để so sánh các thay đổi, phát hiện những yếu tố gây hại cho hệ thống quang học của kính viễn vọng James Webb trước khi nó được đưa lên quỹ đạo.
Kính viễn vọng không gian James Webb là thế hệ kính thiên văn kế tiếp của kính thiên văn không gian Hubble đã được NASA sử dụng 26 năm.
Chi phí để hoàn thành dự án kính viễn vọng James Webb vào khoảng 8,7 tỷ USD chủ yếu do NASA đầu tư và sự hỗ trợ của Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu và Canada.
Kính viễn vọng có đặc điểm bao gồm một gương chính có đường kính 6,5 mét được ghép từ 18 tấm gương hình lục giác.
Theo NASA, kính viễn vọng James Webb sẽ có độ nhạy và độ phân giải cao nhất từ trước tới nay, có thể quan sát được các vật thể ở xa trong vũ trụ, cung cấp các hình ảnh của những thiên hà hình thành đầu tiên và phát hiện các hành tinh chưa từng được biết đến./.
Theo TTXVN