Nét độc đáo tại Lễ hội Vía bà Ngũ hành Long Thượng
Lễ hội Vía bà Ngũ hành Long Thượng được tổ chức tại miếu bà Ngũ hành, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đến với lễ hội, du khách được thưởng thức nhiều hoạt động đặc sắc. Không chỉ chiêm ngưỡng, cúng bái, mọi người còn được chứng kiến lễ cầu an, nhạc lễ, múa lân, dâng bông, hát chập Địa nàng,... đặc biệt là múa bóng rỗi.
Lễ hội Vía bà Ngũ hành Long Thượng diễn ra từ ngày 18 đến ngày 21 tháng Giêng
Múa bóng rỗi còn được gọi là múa bóng hoặc bóng rỗi, là một loại hình nghệ thuật dân gian hết sức độc đáo của người Nam bộ. Múa bóng rỗi có hai bộ phận là múa bóng và hát rỗi.
Múa thông qua những động tác tạo hình biểu hiện sự kính dâng lễ vật lên thần linh. Đây là phần lúc nào cũng được mọi người quan tâm chờ đón.
Một số cô bóng chịu khó tập luyện nên trình diễn những động tác múa khá điêu luyện, khéo léo như làm xiếc, khiến người xem lúc nào cũng hồi hộp, tò mò chờ đợi. Đó có thể là múa dĩa, múa dâng bông múa ghế, múa bàn, múa trống chầu, múa mâm vàng,…
Lễ hội thu hút khách thập phương gần, xa đến thưởng ngoạn, chiêm bái
Người ta dùng các loại giấy khác màu để tạo hình ngôi tháp. Tùy theo địa phương và theo “lò” đào tạo của các bà bóng mà hình dạng, màu sắc của mâm vàng khác nhau.
Mâm vàng hình tháp là lễ vật mang tính linh thiêng để dâng lên các nữ thần. Múa mâm vàng có nhiều động tác như dùng tay cuộn để dâng mâm, đội mâm lên đỉnh đầu, trên trán, trên cằm, trên môi, chuyển mâm trên vai, trên lưng, thậm chí dùng bàn chân để dâng mâm. Hình tượng múa mang tính thần kỳ, còn nghệ thuật gần với xiếc tạp kỹ.
Khách thập phương đến cầu an
Không những vậy, bà bóng còn dùng 2 nhánh bông huệ dài, một cắn ở miệng, một để thẳng đứng, đầu của nhánh thẳng xuống tiếp xúc với đầu của nhánh còn lại.
Khi thể hiện những điệu múa thuần thục, nhuần nhuyễn, bà bóng di chuyển liên tục mà nhánh huệ không bao giờ rớt.
Cô bóng múa bông huệ
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Liên, huyện Bình Chánh, TP.HCM chia sẻ: “Do nhà ở gần xã Long Thượng nên hầu như năm nào tôi cũng đi lễ hội này. Sau khi thắp hương, cúng bà, chúng tôi thường xem múa bóng rỗi. Cả nhà thích thú với các tiết mục được các cô bóng, bà bóng biểu diễn.
Theo thôi thấy, các cô bóng phải trải qua quá trình luyện tập vất vả mới có thể thực hiện được những động tác điêu luyện”.
Cô bóng múa dù
Cô bóng múa mâm vàng
Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng mang đậm bản sắc văn hóa vùng Nam bộ, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp của dân tộc.
Đến với không khí rộn ràng, linh thiêng của lễ hội, mọi người như quên đi những phiền muộn, lo âu trong đời thường, đồng thời, thúc đẩy quá trình lao động sáng tạo, sống đoàn kết và nhân ái./.
Thanh Nga - Thái Bạch
- Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo (24/11)
- Kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh (24/11)
- Quê hương tựa khúc dân ca (24/11)
- 10 hoạt động nổi bật tại Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024 (23/11)
- Vang mãi điệu đờn, lời ca (23/11)
- Sẽ có 10 hoạt động nổi bật được tổ chức tại Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch lần thứ 2 (22/11)
- Tăng cường tuyên truyền về Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 (22/11)
- Những 'địa chỉ đỏ' trong Khởi nghĩa Nam Kỳ (22/11)