Ông Võ Văn Thanh (ngụ ấp 5, xã Mỹ Thạnh Bắc) không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn xây dựng được căn nhà tường khang trang
Niềm vui đến với người nghèo
Về xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, hỏi thăm gia đình bà Đỗ Thị Năm, mọi người ở đây ai cũng cảm phục trước nghị lực vượt khó của bà. Trước đây, gia đình bà Năm thuộc diện hộ nghèo. Năm 2003, bà được NHCSXH xét cho vay 6 triệu đồng chăn nuôi bò. Nhờ cần cù, gia đình bà Năm không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giàu ở địa phương.
Bà Năm tâm sự: “Nếu không có số tiền của NHCSXH hỗ trợ, chắc gia đình tôi không có được cuộc sống sung túc như ngày hôm nay. Hiện nay, tôi không chỉ thoát nghèo mà còn lo được cho các con ăn học thành tài. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 20 con bò nái, trị giá hàng trăm triệu đồng”. Cùng hoàn cảnh với bà Năm, ông Võ Văn Thanh, ngụ ấp 5, xã Mỹ Thạnh Bắc cũng là hộ nghèo. Được NHCSXH hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, đến nay, gia đình ông hoàn vốn và xây dựng được căn nhà khang trang.
Giai đoạn 2012-2016, NHCSXH - Chi nhánh tỉnh Long An giải ngân trên 3.825 tỉ đồng cho 240.703 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay, qua đó, góp phần giảm 16.025 hộ nghèo, 11.248 hộ cận nghèo, tạo việc làm mới cho 9.933 lao động, xây dựng được 154.802 công trình nước sạch và nhà vệ sinh, hỗ trợ 29.251 hộ gia đình học sinh, sinh viên khó khăn về tài chính có điều kiện cho con em được tiếp tục việc học.
Phó Giám đốc NHCSXH - Chi nhánh tỉnh Long An - Lê Bá Chuyên nhận định: “Thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh luôn bám sát chỉ đạo của NHCSXH, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, phối hợp chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác giải ngân kịp thời nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng; phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn hoặc hộ vay, qua đó, góp phần giúp hộ vay nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách”.
Giờ đây, bà Đặng Thị Ven (ngụ xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) không còn chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Cần Đước, Cần Giuộc là 2 huyện thường xuyên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt, từ đó ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do vậy, hỗ trợ người dân địa phương cải thiện cuộc sống là vấn đề NHCSXH quan tâm.
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cần Đước - Lê Thanh Điền chia sẻ: “Đến thời điểm này, Phòng Giao dịch NHCSXH có tổng dư nợ 199 tỉ đồng, trong đó, chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường là 52 tỉ đồng, chiếm 26%. Nguồn vốn này tập trung nhiều vào các xã: Long Hựu Tây, Long Hựu Đông, Tân Chánh,...”.
Để các chương trình vay vốn tín dụng được tiếp tục đến với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh, ông Lê Bá Chuyên cho biết: Đến 31/3/2017, dư nợ cho vay của chi nhánh trên 2.669 tỉ đồng, tăng 51,64%, so với thời điểm năm 2011, tỷ lệ tăng bình quân hàng năm đạt 7,84%; không những tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng cũng ngày càng nâng cao, so với năm 2011 nợ quá hạn giảm 43% và hiện tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,25%/tổng dư nợ; nguồn vốn tín dụng ưu đãi cơ bản đáp ứng một phần nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo mới thì số hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, một số hộ thoát nghèo nhưng vẫn cần vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững, nên nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh là rất lớn.
Thời gian tới, ngoài nguồn vốn Trung ương phân bổ, Chi nhánh NHCSXH tỉnh và các phòng giao dịch huyện, thị xã tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, dành một phần ngân sách địa phương chuyển qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn./.
Lê Ngọc