Trong quãng đời hoạt động nghệ thuật, NSND Lệ Thủy luôn để lại hình ảnh đẹp
NSND Lệ Thủy sinh ra ở Vĩnh Long (năm 1948) nhưng lớn lên ở Sài Gòn, không phải là “con nhà nòi” hay gia đình có truyền thống nghệ thuật, bà trở thành một tài danh của cải lương có lẽ do cái duyên, để rồi các em bà noi theo cũng trở thành những nghệ sĩ cải lương tên tuổi (nhạc sĩ Thanh Liêm, NS Lệ Thu và NS Dạ Hương đều từng là đào chánh). Trong những người con của bà, có Đình Trí tuy tốt nghiệp ngành ngoại thương, Trường Đại học Victoria University (Úc) nhưng có năng khiếu nghệ thuật, sáng tác được tân nhạc, cổ nhạc.
Lúc nhỏ, ở quận 4, nhà Lệ Thủy cạnh một tiệm sửa radio nên hàng ngày, bà thường được nghe ca cổ, cải lương và thích nhất giọng ca của NS Thanh Hương (con gái NSND Năm Châu) với bài vọng cổ Cô bán đèn hoa giấy của Viễn Châu. Lệ Thủy ca đi ca lại và trở thành bài “ruột”. Ở xóm, có nghệ nhân Năm Truyền đờn kìm, thấy Lệ Thủy có làn hơi, chất giọng tốt nên nhận dạy thêm về kỹ thuật ca vọng cổ rồi giới thiệu gia nhập Ban Tài tử - Cải lương của ông Tư Long.
Nhờ 2 người thầy và khả năng tự học, luyện giọng, Lệ Thủy xin vào gánh Cải lương Trâm Vàng (năm 1960). Ban đầu, bà chỉ ngâm thơ ở hậu trường và thỉnh thoảng ca vọng cổ salon trước khi gánh mở màn vở diễn chính. Đó cũng là thời gian Lệ Thủy học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những đồng nghiệp đi trước. 2 năm sau đó, Lệ Thủy trở thành đào chánh và đoạt Giải Thanh Tâm vào năm 1964.
Khi về Đoàn Kim Chung 5, hát chánh với Minh Phụng, Lệ Thủy - Minh Phụng được báo giới tôn tặng là cặp “bão biển” của sân khấu cải lương lúc bấy giờ. Có thể nói, đây là giai đoạn Lệ Thủy thành công và định hình sở trường với những vai cổ trang: Hồ Như Thủy trong Xin một lần yêu nhau, Bạch Thiên Nga trong Máu nhuộm sân chùa, Bảo Xuyên trong Đêm lạnh chùa hoang,... Ngoài biểu diễn ở đoàn hát, Lệ Thủy còn được nhiều hãng băng, đài phát thanh mời thu âm rất nhiều tuồng cải lương và tân cổ giao duyên với các kép hát nổi tiếng lúc bấy giờ: Tấn Tài, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn, Thanh Sang, Phương Bình,...
Sau năm 1975, NSND Lệ Thủy trở thành đào chánh của Đoàn cải lương Sài Gòn II với những vai nổi tiếng như Cẩm Nhung trong Lỡ bước sang ngang, Hiền trong Ánh lửa rừng khuya,... Kế đó, bà về Đoàn Văn công TP.HCM và thành công với vai Hạnh trong Cây sầu riêng trổ bông - vở diễn tạo được tiếng vang khắp cả nước. Và vai đáng nhớ hơn là Xuân Hồng trong Tiếng sóng Rạch Gầm đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (năm 1980), đoạt giải Diễn viên A1 toàn quốc (năm 1982). Về Nhà hát Trần Hữu Trang lần thứ 1, NSND Lệ Thủy có vai nổi bật là Kate trong Hòn đảo thần vệ nữ, rồi về Đoàn Cải lương 4 - 84 để lại nhiều vai ấn tượng: Kim Anh trong Đời cô Lựu, Nguyệt trong Tô Ánh Nguyệt, Xuân Tự trong Áo cưới trước cổng chùa, Hương trong Kiếp chồng chung, Lỗ Tứ Phượng trong Lôi vũ, công chúa Thiên Kiều trong Trắng hoa mai, Ái Nhân trong Lời ru của biển,... NSND Lệ Thủy trở lại Nhà hát Trần Hữu Trang lần 2 (năm 1989-1994) với những vai tiêu biểu: Mai trong Nghiệp cầm ca, Thùy Trang trong Một chuyện tình buồn, Lệ Chi trong Lá thắm chỉ hồng,... Bên cạnh đó, bà còn cộng tác với nhiều đài phát thanh, truyền hình, hãng băng.
NSND Lệ Thủy từng ghi dấu ấn với những vai diễn cổ trang
Tạo hóa ban tặng, cha mẹ cho NSND Lệ Thủy những tố chất quý hiếm khiến ai cũng ngưỡng mộ. Đó là một cô đào thương thanh - sắc vẹn toàn, lại còn có thêm đức - hạnh - tài - duyên. Chính điều đó làm cho biết bao khán giả khóc, cười với những vai diễn của bà. Điển hình vai Nguyệt trong Tô Ánh Nguyệt, cái duyên của Nguyệt mà NSND Lệ Thủy thể hiện làm cho khán giả quên đi mình đang xem cải lương mà bị cuốn vào số phận nhân vật. Lúc Nguyệt tâm tình với Minh khi hai người mới yêu nhau thì Lệ Thủy thể hiện trọn vẹn hình ảnh cô thôn nữ e dè, chân quê với lối ca, diễn hồn nhiên nhưng khi biến cố dẫn đến bi kịch tình yêu, số phận của Nguyệt lâm vào cảnh trái ngang, nghiệt ngã, tâm trạng khổ đau giằng xé khi phải giao con mình cho Minh, Lệ Thủy đã lấy biết bao nước mắt của khán giả. Soạn giả Trần Hữu Trang như đã định trước đây là lớp ca diễn của cặp đào - kép chánh Lệ Thủy - Minh Vương.
Trong quãng đời hoạt động nghệ thuật, Lệ Thủy luôn để lại hình ảnh đẹp. Bà luôn tôn trọng, quý mến đồng nghiệp, không phân thứ bậc và nhiệt tình giúp đỡ những diễn viên trẻ,... Khi sàn diễn không còn đủ sức “kéo” khán giả (năm 1994), NSND Lệ Thủy hoạt động độc lập theo show. Từ đó đến nay, bà cùng bạn bè, người thân, mạnh thường quân tổ chức nhiều chuyến từ thiện - xã hội. Dù bước sang tuổi “cổ lai hy” nhưng bà vẫn gắn bó với những chuyến từ thiện, xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt người mộ điệu./.
Đỗ Dũng