Tiếng Việt | English

08/05/2025 - 15:30

Nghị lực phi thường của những người lính năm xưa

Chiến tranh lùi xa, đất nước không còn tiếng súng nhưng trên thân thể của nhiều người lính năm xưa vẫn hằn sâu những vết thương. Họ mãi mãi mất đi một phần thân thể, mang theo những nỗi đau âm ỉ cả về thể chất lẫn tinh thần. Thế nhưng, giữa những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, ý chí kiên cường của những cựu chiến binh (CCB) "tàn nhưng không phế" vẫn sáng ngời, viết tiếp những bản hùng ca lay động lòng người trong cuộc sống đời thường.

Chiến sĩ quả cảm năm xưa…

Năm 1982, khi đang độ tuổi thanh xuân rực rỡ, ông Phan Văn Trí (SN 1963, ngụ xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) gác lại nước mơ riêng, khoác ba lô lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Trong một lần hành quân năm 1984, ông Trí không may đạp mìn và để lại một phần thân thể nơi chiến trường khốc liệt.

“Sau sự cố ấy, tôi mất hoàn toàn chân trái, thương tật 64% và phải nằm một chỗ suốt 2 năm trời để dưỡng thương” - ông Trí nhớ lại khoảng thời gian đầy khó khăn. Trong hoàn cảnh tưởng chừng như tuyệt vọng nhất, niềm tin mãnh liệt vẫn rực cháy trong ông.

Năm 1985, ông được xuất ngũ và trở về quê hương. Hai năm sau, hạnh phúc mỉm cười khi ông quen biết người vợ hiện tại. Chính sự đồng điệu và thấu hiểu đã kết nối 2 tâm hồn.

Từ mảnh ruộng 6.000m² do gia đình để lại và vài con bò, vợ chồng ông tích cực sản xuất, cùng nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn. Bằng sự cần cù, chịu khó, đàn bò của gia đình ông giờ đây lên đến 7 con, mỗi năm mang lại nguồn thu ổn định từ 60-70 triệu đồng.

Dù thương tật 64% nhưng sau khi trở về quê hương, ông Phan Văn Trí (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) vẫn hăng say lao động, sản xuất

Là thương binh hạng 2/4, đi lại khó khăn nhưng ông Trí rất tích cực với công tác ở địa phương, sẵn sàng làm gương, hiến 90m² đất của gia đình để làm đường giao thông nông thôn. Hàng tháng, ông tham gia trồng hoa, nhổ cỏ, vệ sinh đường làng ngõ xóm, tích cực dựng xây quê hương xanh, sạch, đẹp.

Với vai trò là hội viên của Hội CCB, Hội Nông dân và Hội Người cao tuổi xã Mỹ Hạnh Nam, ông tiên phong trong mọi phong trào của địa phương. “Việc gì có ích cho xóm làng là tôi sẵn lòng làm, không hề nề hà chi cả” - ông Trí cười hiền hậu, chất phác.

Chia sẻ về một trong những điều đáng tự hào nhất của bản thân, ông Trí cho biết đã nuôi dạy các con nên người, biết "kính trên, nhường dưới". Trong đó, người con trai của ông hiện giữ chức Ấp đội trưởng và đứng chân vào hàng ngũ của Đảng từ năm 2020.

“Ngoài tăng gia sản xuất, con trai tôi còn nhiệt tình tham gia lực lượng dân phòng của ấp, có khi trực đến 1-2 giờ đêm. Tôi cảm thấy vui vì con tôi biết tiếp bước cha anh, phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình” - ông Trí tâm sự.

… công dân gương mẫu hôm nay

Trong những năm tháng hào hùng của dân tộc, biết bao người con ưu tú đã lên đường bảo vệ Tổ quốc, cống hiến tuổi xuân và cả xương máu cho độc lập, tự do. Chiến tranh lùi xa nhưng những dấu tích khốc liệt vẫn còn hằn sâu trên cơ thể của những người lính. CCB Lê Văn Đực (SN 1963, ngụ phường 3, TP.Tân An) là một trong số đó.

Tham gia chiến trường Campuchia từ những năm mười tám đôi mươi, ông Đực trở về với thương tật hạng 1/4, mắt phải mất hoàn toàn thị lực, bên còn lại cũng “lúc thấy, lúc không”.

Mất hoàn toàn thị lực mắt phải, ông Lê Văn Đực (phường 3, TP.Tân An) vẫn không ngừng nỗ lực, vươn lên

Trò chuyện với chúng tôi, giọng ông Đực trầm xuống khi hồi tưởng về những năm tháng "nằm gai nếm mật" ở chiến trường Campuchia. “Năm 1984, trong một trận chiến khốc liệt giữa địch và ta, một viên đạn oan nghiệt đã cướp đi thị lực của tôi. Lúc tỉnh lại, mặt mày đầy máu, tôi không còn nhìn thấy gì nữa. Tôi càng đau đớn hơn khi hay tin hai người đồng đội đi cùng đã hy sinh” - ông Đực tâm sự.

Tưởng chừng bóng tối sẽ bao trùm cuộc đời nhưng bằng ý chí kiên cường của người lính Cụ Hồ, ông đã vượt lên nghịch cảnh, xây dựng hạnh phúc gia đình và tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Năm 1995, ông được Nhà nước cấp căn nhà tình nghĩa để có nơi trú nắng, trú mưa và an tâm phát triển kinh tế. Cũng trong năm ấy, duyên số đã đưa ông đến với người bạn đời hiện tại.

"Bà ấy đến với tôi bằng tình yêu chân thành, không hề tính toán. Đó là động lực lớn nhất giúp tôi vượt qua khó khăn” - ông Đực xúc động chia sẻ về người vợ của mình. Không chỉ dìu nhau qua bão giông cuộc đời, vợ chồng ông bà còn hăng say lao động để có thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi dạy các con.

Không chỉ là người chồng, người cha mẫu mực, người CCB ấy còn là công dân gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Từ năm 2009 đến nay, dù thị lực yếu, ông vẫn đảm nhận công việc bảo vệ tại UBND phường 3, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự.

Chủ tịch Hội CCB phường 3, TP.Tân An - Trần Hoài Vũ cho biết: “Ông Đực là hội viên gương mẫu, tích cực. Từ các buổi họp mặt, sinh hoạt truyền thống đến các phong trào tình nghĩa, đền ơn đáp nghĩa, trồng cây xanh, quét dọn xóm làng, ông đều năng nổ, xông xáo. Tấm lòng và sự nhiệt tình của ông đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến các hội viên khác”.

Câu chuyện về ông Phan Văn Trí và ông Lê Văn Đực chỉ là hai trong vô vàn những mảnh đời "tàn nhưng không phế" của các CCB Việt Nam. Họ đã hiến dâng một phần xương máu cho Tổ quốc, mang trên mình những vết thương chẳng thể lành. Thế nhưng, bằng ý chí sắt đá, tinh thần lạc quan và khát vọng sống mãnh liệt, họ vượt qua bóng tối thương tật, trở thành người chồng, người cha mẫu mực, những công dân gương mẫu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng./.

Tuệ Ngân

Chia sẻ bài viết