Tiếng Việt | English

09/11/2021 - 08:48

Ngôn ngữ, ký hiệu riêng của giới trẻ - lợi hay hại?

Có tham gia trò chuyện với nhóm bạn trẻ mới thấy các bạn thường “biến tấu” ngôn ngữ theo một cách riêng. Cách sử dụng teencode này cũng tạo nên một trào lưu vui vui nhưng nếu quá lạm dụng và sử dụng một cách tùy tiện sẽ tạo phản cảm, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người đối diện, nhất là đối với thầy, cô, người lớn tuổi và làm mất đi sự phong phú, trong sáng của tiếng Việt.

Dạo lướt 1 vòng các trang mạng xã hội sẽ dễ dàng bắt gặp các ngôn ngữ ký hiệu đa dạng mà không cần theo bất kỳ quy tắc nào. Ví dụ như dùng từ “bùn wa” (buồn quá), “dthw” (dễ thương), “j” (gì),... Có những kiểu viết được mã hóa hoàn toàn với các dấu *, #, @,... khiến người đọc không thể đoán ra, hoặc đổi chữ, phổ biến là cách nói: “khum” (không), “goy” (rồi), “sonq” (xong), “chằm Zn” (“chằm kẽm” nghĩa là trầm cảm), “chếc gồi” (chết rồi),

thậm chí là “no star where” (không sao đâu), “lemon question” (chanh hỏi - chảnh),... Anh Trần Tấn An (phường 3, TP.Tân An) bày tỏ: “Lúc học phổ thông, tôi và các bạn cũng thường trao đổi, viết thư bằng mật mã riêng của tuổi học trò, vừa ngắn gọn, hài hước, dễ thương. Tôi thấy việc này cũng bình thường khi sử dụng đúng hoàn cảnh, đối tượng.

Ngày nay, giới trẻ cũng sử dụng teencode như loại ngôn ngữ riêng để trao đổi nhưng có nhiều cách biến tấu, trong đó có cả nói tục thì tôi nghĩ không nên, không còn vẻ dễ thương, thú vị nữa mà nó dần đánh mất thuần phong, mỹ tục của người Việt mình”.

Chữ teencode phổ biến trên Zalo, Facebook,... được giới trẻ ngày nay ưa chuộng, biến tấu theo nhiều cách khác nhau (Ảnh minh họa: Internet)

Cách đây vài tuần, việc một ca sĩ người Việt vừa qua Mỹ đã phát sóng đoạn video có cách nói “nửa tây, nửa ta” như sau: “Sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng people make it complicated, nên là mình cứ enjoy cái moment này” (tạm dịch: Sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng mọi người cứ làm nó phức tạp lên, nên là mình cứ tận hưởng khoảnh khắc này).

Qua câu nói này, giới trẻ đang lấy cảm hứng “enjoy cái moment này” tạo thành trào lưu trên mạng xã hội và bắt đầu lạm dụng chúng trong cách nói chuyện và học tập. Tuy nhiên, nhiều người lại không tán thành cách nói nửa Việt, nửa Anh, đánh mất đi vẻ đẹp vốn có của tiếng Việt.

Cô Trần Thị Ngọc Hân (giáo viên dạy Tiếng Anh, Trường Tiểu học Hồ Văn Huê, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) cho biết: “Tôi thường dạy học sinh cách học tiếng Việt và tiếng Anh song song với nhau và nghĩa của 2 tiếng này phải đồng nghĩa, diễn đạt đúng ngữ cảnh, nội dung học tập, không được phép biến tấu làm mất đi bản chất của 2 ngôn ngữ.

Việc các em sử dụng các ngôn ngữ ký hiệu ở mức vừa phải thì tạo nên sự vui vẻ, hứng thú trong học tập, cuộc sống. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thì sẽ làm mất đi sự trong sáng giữa các ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng”.

Không ít bạn trẻ xem việc sử dụng ngôn ngữ này là sành điệu, hợp thời vì cách viết tắt, nhanh, nhấn trực tiếp vào nội dung chính, không cần suy nghĩ cấu trúc. Tuy nhiên, việc lạm dụng sẽ tạo nên tính cẩu thả dẫn đến những bất lợi trong kỹ năng giao tiếp, làm cho người nhận, người đọc khó chịu vì không phải ai cũng hiểu được ngôn ngữ này./.

Hoài Thương

Chia sẻ bài viết