Cần chú trọng việc tiêm phòng để bảo vệ đàn vật nuôi
Dịch bệnh vẫn phức tạp
Từ sau Tết Nguyên đán, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện trở lại tại 3 hộ thuộc 2 xã của 2 huyện Tân Trụ và Mộc Hóa, tổng số heo tiêu hủy là 75 con. Cụ thể, huyện Tân Trụ phát hiện 2 ổ dịch vào ngày 14/02/2021 tại xã Tân Phước Tây (đã có kết quả xét nghiệm dương tính với DTHCP); huyện Mộc Hóa phát hiện 1 ổ DTHCP vào ngày 17/02/2021 tại xã Bình Hòa Đông; tổng số heo tiêu hủy là 36 con. Ngành chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số heo bệnh theo quy định (chôn, đốt) và vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các hộ xảy ra bệnh.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mộc Hóa, hiện huyện còn khoảng 3.585 con GS và trên 65.000 con GC, trong đó có 1.172 con heo. Hiện nay, người chăn nuôi heo không dám tái đàn vì chưa có vắc-xin phòng DTHCP. Mặt khác, sau dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng, cần được hỗ trợ vốn để trả nợ và tái đàn.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình bà Lê Hồng Liên (xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa) bán 15 con heo với giá trên 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do lo ngại về tình hình dịch bệnh phát sinh sau tết nên gia đình bà chưa dám tái đàn. Hiện tại, các chuồng nuôi của gia đình bà đang được rải vôi để tiêu độc, khử trùng. Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Hóa - Lê Văn Tùng, hiện ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân nên thận trọng tái đàn, đặc biệt là tái đàn heo để tránh thiệt hại do dịch bệnh. Nếu tái đàn, người dân phải tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, thường xuyên thực hiện phun thuốc sát trùng để khử trùng, tiêu độc chuồng trại và khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, người dân nên chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn GSGC, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi; báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương nếu đàn vật nuôi có triệu chứng nghi ngờ bị bệnh.
Tại huyện Tân Trụ, thời gian qua, DTHCP gây thiệt hại khá lớn cho người chăn nuôi heo trên địa bàn. Bà Lê Thị Nấu (ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Sau tết rất dễ phát sinh dịch bệnh trên GSGC, nhất là một số bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng và DTHCP. Vì thế, chúng tôi e ngại tái đàn. Hiện chuồng trại chăn nuôi của gia đình tôi đã được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ. Tuy nhiên, vẫn phải chờ giá cả và tình hình dịch bệnh ổn định thì gia đình tôi mới dám tái đàn”.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh
Hiện nay, khâu chăm sóc đàn GSGC sau tết cũng đứng trước những khó khăn nhất định. Trước tiên là điều kiện thời tiết, những ngày đầu năm mới, ban ngày nắng nóng, nhiệt độ cao, ban đêm nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm tăng làm cho vật nuôi khó thích nghi, sức đề kháng giảm. Do vậy, cần bảo đảm chuồng trại kín gió trong thời gian này.
Ông Lê Thành Nam, ngụ xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, chia sẻ: “Thời tiết sau tết có sự chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn nên người chăn nuôi phải cảnh giác với dịch bệnh, đặc biệt là cúm GC. Khởi đầu năm mới, ai cũng muốn việc chăn nuôi thuận lợi, hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để người dân an tâm mở rộng quy mô chăn nuôi”.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh cho biết, Chi cục đang tham mưu đề xuất với Sở Tài chính rà soát kinh phí trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch truyền thông, khử trùng, tiêu độc và phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2021. Bên cạnh đó, Chi cục đề xuất Sở NN&PTNN triển khai kế hoạch quản lý chăn nuôi năm 2021. Ước tính trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 200.000 con GS và 9 triệu con GC.
Trước tình hình dịch bệnh, để người dân tái đàn hiệu quả, ngành chăn nuôi đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng chức năng, các đơn vị liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thống kê tổng đàn, theo dõi tình hình dịch bệnh trên GSGC, xác định tình hình phát triển thực tế của đàn GSGC tại địa phương; tổ chức khuyến cáo, tuyên truyền người chăn nuôi cẩn trọng trong việc tái đàn, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, không tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát.
“Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần tích cực chuyển hướng sang chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện các quy định về quản lý chăn nuôi; theo dõi diễn biến thị trường để cân đối đàn cho phù hợp với điều kiện chăn nuôi và tình hình tiêu thụ; tổ chức tiêm phòng bổ sung kịp thời khi tăng đàn; cân đối đủ khẩu phần dinh dưỡng cho vật nuôi; thường xuyên bổ sung vitamin, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho đàn GSGC. Mặt khác, người chăn nuôi cần chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình mình; phối hợp các cơ quan chức năng để nắm bắt nhanh thông tin, áp dụng đúng biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Khi có dịch bệnh xảy ra phải khai báo kịp thời cho chính quyền địa phương, tuyệt đối không giấu dịch hoặc bán chạy GSGC bị bệnh ra thị trường, làm phức tạp tình hình dịch bệnh” - bà Khanh cho biết thêm./.
Bùi Tùng