Thầy Hoàng luôn sẵn sàng chia sẻ với các em học sinh trong học tập
Thầy Hoàng chia sẻ, “cái duyên” với môn Ngữ văn và cái nghề “gõ đầu trẻ” của thầy được bắt đầu từ cuối năm lớp 12. Thật ra, khi đó, thầy là học sinh ban Toán - Lý, nhưng rồi vì yêu thích môn Văn, những con chữ, vần thơ mà thầy đăng ký thi học sinh giỏi môn Ngữ văn và đoạt giải cấp quốc gia. Cũng chính từ đó, ngọn lửa đam mê văn học và trách nhiệm của người nhà giáo đã được hình thành và bùng cháy trong thầy.
Suốt 33 năm qua, từ ngày về công tác tại Trường THPT Rạch Kiến, dù trải qua không ít khó khăn, trắc trở nhưng không lúc nào ngọn lửa đam mê và tấm lòng nhiệt huyết đối với công việc của thầy Hoàng giảm sút. Xuất phát từ cái tâm của nghề “trồng người”, thầy Hoàng luôn là nhà giáo cần mẫn, sáng tạo để truyền thụ tri thức và ngọn lửa đam mê môn văn cho những học sinh của mình. Để các bài giảng đạt hiệu quả cao, học sinh hiểu thấu đáo những gì mình nói, thầy đã suy nghĩ, tìm hiểu vận dụng để đổi mới phương pháp dạy học, trong đó, đặc biệt là phương pháp sân khấu hóa và điện ảnh hóa các tác phẩm văn học nhằm tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em dễ dàng tiếp cận những tác phẩm văn học và hiểu hơn về tính cách, giá trị văn học của từng nhân vật. Nhờ đó mà học sinh của thầy yêu thích môn Văn hơn, tâm hồn, trí tưởng tượng và khả năng cảm thụ các tác phẩm văn học của các em cũng ngày càng tiến bộ hơn.
Được biết, từ năm học 1986-1987, thầy đã áp dụng hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học để giảng dạy cho học trò của mình. Thầy luôn tạo điều kiện để các em có được sự trải nghiệm và không ngừng khuyến khích các em sáng tạo. Với thầy, sự sáng tạo trong môn Văn là rất cần thiết. Bởi lẽ, môn Văn vốn được coi là môn học “khó ưa” đối với nhiều học sinh. Với phương pháp dạy học truyền thống một chiều, học sinh sẽ dễ dàng bị “đứng ngoài” môn học, kiến thức truyền đạt sẽ trở nên nặng nề, khó hiểu. Sâu khấu hóa tác phẩm văn học sẽ giúp tiết học trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ dàng kéo học sinh lại gần với môn học. Ở hình thức này, các em học sinh buộc phải hòa mình vào cùng với tác phẩm, sống cùng nhân vật để hiểu hơn về nhân vật một cách tự nhiên, không miễn cưỡng. Hơn nữa, hình thức sân khấu hóa còn giúp học sinh mở mang thêm nhiều kiến thức khác ngoài sách vở, trang bị thêm những kỹ năng mềm, đồng thời định hướng đam mê cho các em. Theo thầy Hoàng, một phân cảnh trong tác phẩm được coi là thành công khi chính các em biết bản thân mình phù hợp với nhân vật nào, biết cách làm việc nhóm và “sống” cùng nhân vật của mình.
“Mục đích chính của phương pháp này là giúp các em học sinh có được sự trải nghiệm thực tế. Thông qua các vở kịch hay đoạn phim, văn học trở nên mềm mại và gắn bó hơn với cuộc sống. Dù diễn xuất còn rất ngây ngô nhưng các em đã có sự hiểu biết về tác phẩm, nhân vật; đồng thời, biết được nhân vật mình đảm nhiệm sẽ phải làm gì và giá trị nội dung, nghệ thuật mà nhân vật mình truyền đạt là như thế nào. Cũng từ hình thức này, giáo viên cũng hiểu hơn về khả năng và thiên hướng của học trò mình, qua đó có những định hướng phù hợp với các em sau này” - thầy Hoàng chia sẻ.
Có thể nói, hiệu quả mà hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học mang lại rất rõ ràng. Tuy nhiên, việc sân khấu hóa như thế nào với một tác phẩm hay một phân đoạn thơ không phải là chuyện đơn giản. Được biết, thời gian đầu khi áp dụng phương pháp này vào giảng dạy, thầy Hoàng phải viết tay lời thoại rồi phân vai cho học sinh. Sau đó, thầy mới hướng dẫn học sinh cách viết kịch bản và các kỹ năng khác để hoàn thiện một vở kịch hay một đoạn phim. Trong suốt các công đoạn, thầy Hoàng luôn là người theo sát để hướng dẫn và định hướng cho các em học sinh. Em Nguyễn Thị Thanh Trúc, lớp 12A1, cho biết: “Khi hướng dẫn các em chuyển thể từ một tác phẩm văn học sang một vở kịch hay một thước phim ngắn, thầy Hoàng đều nhắc nhở chúng em phải trung thành với tác phẩm gốc và chỉ được sáng tạo dựa trên cái nền của tác phẩm; đồng thời, phải luôn bảo đảm được tính thẩm mỹ và tính sư phạm cho tác phẩm khi trình diễn”.
Bên cạnh đó, ngoài là một người thầy mẫu mực trong giảng dạy, thầy Hoàng còn là người cha, người bạn đối với các học trò của mình. Em Huỳnh Tấn Đạt, lớp 11A2, bộc bạch: “Thầy Hoàng là người truyền cảm hứng yêu văn cho rất nhiều học sinh. Thông qua việc tổ chức các hoạt động như “Ngoại khóa văn học dân gian”, “Liên hoan phim”, thầy đã giúp chúng em tiếp cận và hiểu sâu hơn về các tác phẩm văn học. Thầy cũng thường xuyên quan tâm, chia sẻ và giải đáp những vướng mắc của chúng em. Đối với chúng em, thầy Hoàng không chỉ là người thầy mẫu mực mà còn là người cha đáng kính, người bạn luôn biết lắng nghe, chia sẻ”.
Hiệu trưởng Trường THPT Rạch Kiến - Hà Thị Minh Hiền cho biết: “Thầy Hoàng rất có trách nhiệm và tâm huyết với nghề. Thầy có nhiều mô hình, phương pháp giảng dạy hay, độc đáo, nhất là các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giảng dạy văn học. Hiện tại, chỉ còn hơn 2 năm nữa là thầy Hoàng sẽ về hưu, do đó Ban Giám hiệu nhà trường đang tích cực tạo điều kiện để thầy hướng dẫn, truyền đạt cách tổ chức thực hiện những hoạt động giảng dạy cho những thầy cô kế nhiệm, bảo đảm việc giáo dục theo phương pháp mới được duy trì và tiếp tục phát huy hiệu quả”.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà, thầy Nguyễn Trọng Hoàng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Đây hoàn toàn là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực tìm tòi, học hỏi và thành quả xứng đáng cho một người thầy cần mẫn, tận tâm với sự nghiệp “trồng người”./.
Để các bài giảng đạt hiệu quả cao, học sinh hiểu thấu đáo những gì mình nói, thầy Hoàng đã suy nghĩ, tìm hiểu vận dụng để đổi mới phương pháp dạy học, trong đó, đặc biệt là phương pháp sân khấu hóa và điện ảnh hóa các tác phẩm văn học nhằm tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em dễ dàng tiếp cận những tác phẩm văn học và hiểu hơn về tính cách, giá trị văn học của từng nhân vật”. |
Lê Huỳnh - Bùi Tùng