Tiếng Việt | English

09/03/2016 - 20:02

Nghiên cứu cải lương đã có lớp kế thừa

Đó là nhận định chung của các nhà khoa học, soạn giả, đại diện các cơ quan quản lý văn hóa có mặt tại Hội thảo Khoa học Quốc gia “Văn hóa cải lương Nam bộ: Từ đờn ca Tài tử đến sân khấu Cải lương, từ lý luận đến thực tiễn”. Hội thảo diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM vào sáng ngày 9/3/2016.

Sau phần phát biểu đề dẫn của TS. Huỳnh Công Tín (Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á) là bốn bài tham luận của các nhà nghiên cứu.

Nếu như ThS. Đỗ Quốc Dũng (Báo Sân khấu TP.HCM) đưa ra những phân tích thú vị về những đặc điểm tiêu biểu của bài Vọng cổ nhịp 32 thì TS. Mai Mỹ Duyên (Đại học Văn hóa TP.HCM) trình bày khá cặn kẽ về vị thế Mỹ Tho (Tiền Giang) trong diễn trình đờn ca Tài tử và Cải lương ở Nam bộ.


Vương Hoài Lâm trình bày tham luận “Quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Thành Châu trong kịch bản Cải lương Sân khấu về khuya” (ảnh: Khởi Đạt)

Đáng chú ý là hai tham luận của hai báo cáo viên trẻ: Vương Hoài Lâm (Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP.HCM) với bài viết “Quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Thành Châu trong kịch bản Cải lương Sân khấu về khuya” và ThS. Nguyễn Thị Tâm Anh (Trường Đại học Mở TP.HCM) với bài viết “Bảo tồn và phát huy nghề làm trang phục Cải lương ở TP.HCM”.

Có mặt tại buổi hội thảo, các soạn giả, nhà nghiên cứu: Ngô Hồng Khanh, Võ Trường Kỳ, Hà Nam Quang, Xuân Phong,… bày tỏ niềm phấn khởi khi nghiên cứu Cải lương Nam bộ trong những năm gần đây đang trên đà khởi sắc, nhất là từ khi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Buổi hội thảo cũng trở nên sinh động hơn với các tiết mục biểu diễn của NSƯT. Lê Thiện với vai diễn để đời Thần Phi trong vở “Rạng ngọc Côn Sơn”, của TS. Mai Mỹ Duyên với bản “Phi Vân Điệp Khúc”…

Trước đó, vào tháng 1/2016, quyển sách Văn hóa cải lương Nam bộ: Từ đờn ca Tài tử đến sân khấu Cải lương, từ lý luận đến thực tiễn cũng đã ra mắt bạn đọc với hai mươi bốn bài viết được chia làm 4 phần: Tiến trình hình thành Cải lương Nam bộ, Những đặc tính trong cấu trúc nghệ thuật Cải lương Nam bộ, Tác giả - tác phẩm, Phong trào Cải lương ở các địa phương./.

Khởi Đạt

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích