Tiếng Việt | English

23/05/2019 - 01:14

Dạy văn bằng cách... diễn kịch

Khi hóa thân, học sinh hiểu và nắm bắt tâm lý từng nhân vật

Khi hóa thân, học sinh hiểu và nắm bắt tâm lý từng nhân vật

Mỗi giờ dạy văn của cô giáo trẻ Phùng Dương Hạnh (SN 1996) - giáo viên Trường Hội nhập Quốc tế Ischool Long An (huyện Bến Lức), luôn tạo được sức hút với học sinh (HS) bởi những hoạt động thú vị. Khi thì cô sử dụng phương pháp sắm vai, đóng kịch, lồng tiếng cho phim giúp HS cảm nhận sâu sắc hơn tâm lý nhân vật, có lúc cô lại tổ chức những talk show với chủ đề học tập, trong đó HS được chia thành các nhóm, thực hiện phỏng vấn, thuyết trình, tham gia trò chơi,...

Cô Phùng Dương Hạnh tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM năm 2018 và hiện đang giảng dạy ở môi trường hiện đại, năng động. Từ lúc dạy tại Trường Hội nhập Quốc tế Ischool Long An, cô Hạnh biến giờ học văn do mình phụ trách trở thành một sân khấu thu nhỏ, ở đó, tác phẩm văn học trở thành vở kịch, HS trở thành diễn viên. Những tác phẩm được cô chọn thường là Tấm Cám, Trọng Thủy - Mị Châu, Cây tre trăm đốt hay các tác phẩm: Chí Phèo, Vợ nhặt, Số đỏ,...

Trước khi diễn, cô Hạnh chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm sẽ phụ trách một tác phẩm. Các nhóm sẽ phải đọc trước nội dung, tự phân vai với nhau và tập trước khi diễn chính thức. Chính điều này giúp các bạn đọc hiểu trước nội dung bài, nắm được ý chính của tác phẩm, thậm chí với những phân đoạn khó, các bạn cùng nhau tìm hiểu trước trên mạng để có thể diễn một cách tốt nhất.

Phạm Lê Ngọc Khánh, lớp 6A1, chia sẻ: “Khi được hóa thân vào các nhân vật trong các tác phẩm văn học giúp em hiểu thêm tích cách nhân vật. Cách học này tạo cho HS tính chủ động tìm hiểu để nhập vai và cảm nhận rõ nét về nội dung, tư tưởng, chủ đề của mỗi tác phẩm văn học”.

Những tiết dạy của cô giáo Phùng Dương Hạnh nhận được sự hưởng ứng của học sinh

Những tiết dạy của cô giáo Phùng Dương Hạnh nhận được sự hưởng ứng của học sinh

Theo cô Hạnh, việc diễn kịch chỉ áp dụng cho một số tác phẩm văn học phù hợp, còn với những bài còn lại, để thu hút HS, cô chia nhóm để các bạn thuyết trình và thảo luận nhằm rèn luyện khả năng nói trước đám đông cho các em. Cô chia sẻ: “Sân khấu hóa là hoạt động thường thấy ở bộ môn Văn nhằm mang đến sự hứng thú, mới mẻ cho HS. Trong quá trình xây dựng, tìm hiểu, HS sẽ được mở rộng kiến thức từ những tác phẩm nằm ngoài sách giáo khoa. Thay vì tiếp nhận kiến thức một cách khô khan theo lối dạy truyền thống, với hình thức sân khấu hóa, các em sẽ được trải nghiệm thực tế, được hóa thân vào các nhân vật lịch sử, có cảm xúc và tự cảm nhận về nhân vật, từ đó hiểu và thêm yêu quê hương, đất nước qua từng bài học. Ngoài ra, khi cùng nhau luyện tập, biểu diễn, HS có thêm kiến thức và kỹ năng sống”.

Biến bục giảng thành sân khấu, còn bản thân trở thành người "truyền lửa" để mang đến cho HS những giờ học thú vị,... Phương pháp dạy của cô Hạnh luôn có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, truyền cảm hứng học văn đến HS. Tất cả những điều đó đã giúp cô giáo trẻ Phùng Dương Hạnh đoạt giải nhất cuộc thi “Người giáo viên thông thái” do Hệ thống Trường Hội nhập Quốc tế Ischool tổ chức. Đồng thời, còn tạo nên ấn tượng sâu sắc về cô trong lòng HS./.

V.Hằng

Chia sẻ bài viết