Tiếng Việt | English

11/09/2015 - 08:51

Nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết

Khi mùa mưa đến, bệnh sốt xuất huyết (SXH) lại có xu hướng tăng và diễn biến khá phức tạp. Hiện nay, dịch SXH đang bước vào thời kỳ cao điểm và rất có thể sẽ kéo dài đến cuối năm.


Khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có bệnh sốt xuất huyết” được dán ở các hộ gia đình

Để phòng, chống sự bùng phát dịch bệnh, ngành Y tế Long An đã khảo sát các điểm nóng về bệnh SXH và hướng dẫn người dân xử lý khi có dịch. Ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch ở các địa phương, từ đó xác định vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ xảy ra dịch, ổ dịch, nhất là các ổ dịch cũ, nhằm phát hiện sớm và kịp thời xử lý.
Ngành Y tế đã tổ chức tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng về chẩn đoán và điều trị bệnh; tập huấn về công tác theo dõi và xử lý ổ dịch cho cán bộ quản lý chương trình.

Ngành còn phối hợp các ban, ngành, đoàn thể thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phòng, chống bệnh SXH ở các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh; phát tờ rơi tuyên truyền các giải pháp để phòng bệnh; dán khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có bệnh SXH” ở mỗi hộ gia đình; vận động người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Long An phát những thông điệp về phòng, chống bệnh SXH vào mỗi buổi sáng.
Đặc biệt, các xã Long Hiệp, huyện Bến Lức; xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa; xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc; xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa còn thực hiện mô hình xã điểm có mạng lưới cộng tác viên phòng, chống bệnh SXH. Hằng tháng, cộng tác viên sẽ đến từng hộ gia đình giám sát và vận động người dân diệt lăng quăng để phòng bệnh.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - Bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Dũng cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 992 ca mắc bệnh SXH, tăng 24% so với cùng kỳ 2014 và giảm 60% so với trung bình 5 năm 1996-2010. Trong đó, có 53 trường hợp SXH nặng và 2 trường hợp tử vong ở huyện Châu Thành và Cần Giuộc. Huyện có số ca mắc cao là Đức Hòa, Cần Đước và TP.Tân An. Trong 3 tuần trở lại đây, bệnh có xu hướng tăng nhẹ hằng tuần nhưng xảy ra rải rác không đủ tiêu chuẩn xử lý ổ dịch. So với các tỉnh trong khu vực phía Nam thì tình hình dịch bệnh ở Long An tương đối ổn định, vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Hiện nay, bệnh SXH vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là diệt muỗi, lăng quăng và tránh muỗi đốt. Bệnh SXH không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn ở người lớn, với tỷ lệ tương đương nhau. Vì vậy, nếu bị sốt cao 2 ngày nhưng uống thuốc không thấy hạ sốt thì đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời./.

Ngọc Mận

 

 

Chia sẻ bài viết