Từ vùng sâu...
Hơn 1 năm nay, sáng nào ở góc ngã tư đường 3-2 và Nguyễn Ngọc Thạch, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cũng có một tủ bánh mì miễn phí phục vụ người nghèo. 5 giờ sáng, những ổ bánh mì nóng giòn cùng sữa, đường, nước tương sẵn sàng phục vụ những người có hoàn cảnh khó khăn. Cạnh đó là tủ quần áo cũng miễn phí. Những bộ quần áo đã qua sử dụng được giặt sạch, vuốt phẳng, treo lên móc chờ người đến lấy. Nằm khiêm tốn tại một góc đường nhưng tủ bánh mì từ thiện và tủ quần áo từ thiện ở thị trấn Tân Hưng lại được sự quan tâm của nhiều người.
Vài ngày một lần, chị Nguyễn Thị Ngọc Dung dành chút thời gian chọn lọc và sắp xếp lại tủ quần áo, giúp người đến lấy đồ thuận tiện và có nhiều sự lựa chọn
Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, người trực tiếp trông coi tủ bánh mì và tủ quần áo từ thiện, cho biết con gái chị - Trần Thị Ngọc Duyên là người “bày ra” tủ bánh mì và tủ quần áo này. Duyên là thành viên Câu lạc bộ Thiện Tâm tại TP.Tân An. Thấy mô hình tại Tân An hoạt động hiệu quả, Duyên quyết tâm mở “chi nhánh” tại Tân Hưng. Và “chi nhánh” này trở thành địa chỉ quen thuộc của những người có hoàn cảnh khó khăn. Bánh mì chỉ phục vụ buổi sáng nhưng tủ quần áo phục vụ suốt ngày nên hầu như lúc nào cũng có người đến chọn đồ. Chị Ngọc Dung nói: “Những ngày đầu, người đến lấy quần áo còn ngại nên tôi và các con phải mang tủ quần áo ra sát mặt đường. Giờ, mọi người quen rồi, tôi để tủ gần trong nhà, tránh mưa ướt. Mình vui vẻ, nhiệt tình, trân trọng thì người nhận đồ đỡ ngại”. Thật vậy, chị Dung luôn quan niệm “của cho không bằng cách cho” nên thấy ai đến lựa quần áo hay lấy bánh mì, chị đều rất vui vẻ mời chào. Vài ngày một lần, chị Dung dành chút thời gian chọn lọc và sắp xếp lại tủ quần áo, giúp người đến lấy đồ dễ lựa chọn. Chị kể: “Nhiều người mang quần áo đến ủng hộ lắm. Nhận đồ, tôi chọn lọc lại. Cái nào còn sử dụng được, tôi treo lên, cái nào dơ thì đem giặt. Biết là sẽ tốn nhiều công sức nhưng phải làm như vậy mới được!”.
Ngọc Duyên đang học tại TP.HCM, là người trực tiếp nhận quyên góp quần áo từ mạnh thường quân. Duyên thường đến nhận quần áo cũ tận nhà, phân loại và đóng gói mang về quê vào ngày cuối tuần. Công việc tuy mất nhiều công sức nhưng là niềm vui của gia đình chị Dung. Với chị, được chia sẻ khó khăn với người khác là một điều hạnh phúc!
...Đến thị thành
Phòng thuốc Nam Phước Thiện (Hưng Nhơn tự, TP.Tân An) được thành lập từ khi mới xây dựng chùa, đến nay được hơn 50 năm. Có nhiều cư sĩ, lương y và người phụ giúp làm việc tại đây. Theo lương y Nguyễn Thị Đầm, phòng thuốc có 2 khoa: Khám bệnh và Xung điện. Theo quan sát của chúng tôi, phòng thuốc được xây dựng khang trang, sạch sẽ với nhiều khu khác nhau và phục vụ miễn phí cho người bệnh. Lương y Nguyễn Thị Đầm cho biết, các lương y khám bệnh tại phòng thuốc đều được đào tạo và được cấp phép hành nghề, một số người khác tham gia sưu tầm, chăm sóc và sơ chế cây thuốc. Tất cả mọi người làm việc với mong muốn mang lại sức khỏe cho người bệnh.
Có nhiều cư sĩ, lương y và người phụ giúp làm việc tại phòng thuốc, tất cả đều hướng đến một mục đích cuối cùng là giúp người dân có sức khỏe và đỡ tốn kém
Có mặt tại phòng thuốc vào một buổi sáng, chúng tôi thấy bệnh nhân đến khám khá đông. Mọi người trật tự ngồi trên ghế chờ đến lượt mình. Người đến lấy thêm thuốc, người chờ lương y bắt mạch, người đến xung điện. Bà Tám, ngụ phường 4, TP.Tân An, cho biết bà đến chạy xung điện tại Phòng thuốc Nam Phước Thiện được khoảng 2 tháng và chứng tê nhức tay của bà dần thuyên giảm. Bà cảm thấy vui vì điều đó và cảm mến thái độ phục vụ tận tình, luôn quan tâm chia sẻ của những lương y, người làm việc tại phòng thuốc.
Phòng thuốc Nam Phước Thiện làm việc hầu hết các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, tết (trừ ngày chủ nhật, rằm và mùng 1), thường làm việc vào buổi sáng, còn buổi chiều và tối thì chuẩn bị thuốc cho ngày hôm sau. Mặc dù thời gian làm việc quy định từ 7-11 giờ nhưng thường phòng thuốc làm việc sớm hơn và chỉ nghỉ khi hết người đến khám. Là người gắn bó với phòng thuốc trên 20 năm, ông Thái Văn Dễ, ngụ phường 5, TP.Tân An, cho biết mình làm việc vì muốn cống hiến cho đời và giúp đỡ người khác. Ông là người của tổ sưu tầm và sơ chế cây thuốc. Nhìn tưởng dễ nhưng công việc đó đòi hỏi người làm phải có tâm thiện, sẵn sàng dành thời gian, công sức của mình để giúp đỡ người khác. Đó là điều thực sự đáng trân trọng và nhân rộng.
Điều tốt lành “nho nhỏ”
Để nhân rộng một phòng thuốc Nam không phải là chuyện đơn giản nên nhiều người chọn nhân rộng những “điều tốt lành nho nhỏ” khác: Bình nước miễn phí, cơm miễn phí, quà tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn,... Bình nước uống miễn phí không còn xa lạ với người dân Long An. Ở bất kỳ huyện nào trong tỉnh đều tìm thấy bình nước miễn phí bên lề đường. Có nơi là nước tinh khiết đóng bình, có nơi là trà đá, có nơi dùng ly nhựa, có nơi cung cấp ly dùng một lần nhưng tất cả đều nhằm mục đích giúp người đi đường một ly nước mát trong lúc lỡ đường.
Anh Huỳnh Văn Nhân, chủ nhân bình trà đá miễn phí trên đường Đỗ Tường Phong, huyện Châu Thành, cho biết: “Mỗi lần nhìn thấy có người đến uống hoặc lấy nước từ bình trà đá miễn phí, tôi rất vui. Hầu hết đó đều là những người lao động chân tay. Mỗi ngày, tôi mua một ít nước đá, châm thêm bình trà là có thể phục vụ các cô chú, anh chị lỡ đường rồi!”. Cũng vì suy nghĩ đó mà nhiều bình nước miễn phí được đặt trên lề đường, từ thành thị đến nông thôn. Đó là minh chứng cụ thể cho sự nhân rộng của lòng yêu thương!
Câu chuyện miễn phí là câu chuyện sống biết nghĩ về người khác, là bài học về sự cảm thông, chia sẻ, tình yêu trong cuộc sống. Và tấm lòng của những người đang từng ngày sống vì người khác thật đáng tôn vinh và trân trọng!
Phương Phương