Tiếng Việt | English

01/12/2023 - 17:38

Nhân - tâm - tài sâu thẳm trong anh!

Những lần tâm tình anh thường luận với tôi về đời sống. Theo anh, đời người không khác dòng sông. Sông có khởi nguồn và sông sẽ chảy đi đến tận chân trời cuối đất. Sông có lúc lớn ròng, vơi đầy như đời người có lúc thăng, lúc trầm. Dòng sông luôn chảy về nơi trũng thấp, nơi còn hoang mạc khát nước,…

Dòng sông không chảy là dòng sông chết. Dòng sông có sức sống mạnh mẽ là dòng sông luôn cuộn chảy, luôn tìm kiếm sự nối kết với nhiều phụ lưu, chi lưu để đưa nước đi khắp muôn nơi,… Đời người có lẽ cũng thế, phải hành động, không thụ động đứng yên, phải cuộn chảy quyết liệt như dòng sông. Dòng sông càng chảy thì dòng sông càng sạch, càng hữu ích cho đất đai màu mỡ sinh cảnh thiên nhiên thêm xanh tươi, lòng người thêm tươi mới phấn chấn,…

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Viên

Anh luôn say sưa “triết lý” về đời sống,… Theo anh, chất nước của sông như phẩm hạnh con người. Nước sông phải có phù sa cho ruộng đồng, cây cỏ,… Nước sông phải có những vi chất, thủy vật, thủy sinh hữu ích,… Nước sông cũng phải biết “gạn đục khơi trong” làm cho những chất gây hại không hữu ích phải trầm tích lại,… Có lẽ bản chất nhân tâm trong sâu thẳm con người anh là vậy - “Tâm bình như thủy”, đơn giản, hiền hòa, tươi mát, bao dung, tình thương và trách nhiệm như sông. Suy ngẫm lại cuộc đời anh rõ là một dòng sông lúc trầm lắng, lúc cuồn cuộn chảy, lúc lên thác, lúc xuống ghềnh nhưng mãi giữ cường độ chảy về những nơi sông cần chảy. Câu chuyện về đời sông năm ấy của anh và tôi có lẽ đã hơn 50 năm qua rồi bây giờ tôi mới nhận ra khi đời sông của anh sắp chảy đi đến cuối nguồn về biển cả mênh mông!

Hữu duyên tôi và anh gặp nhau từ những năm 1970. Anh từ Bình Định vào Sài Gòn; tôi từ huyện Đức Hòa - Long An lên. Những năm tháng ấy chiến tranh ở quê anh và tôi còn khốc liệt lắm. Anh thi đậu vào Học viện Quốc gia Kỹ thuật (Đại học Bách khoa hiện nay - trường danh tiếng miền Nam lúc bấy giờ). Lúc này, tôi còn là cậu học trò nhỏ ngờ nghệch, quê mùa đang học năm đầu trung học đệ nhị cấp (lớp đệ tam = lớp 10 bây giờ). Khi lang thang tìm chỗ trọ, đúng là “duyên” khi tôi đến Ký túc xá sinh viên Phú Thọ. Tôi đã ở đây trong suốt quá trình học và được sự chăm sóc, chở che của các anh, chị sinh viên, nhất là những lúc cảnh sát Sài Gòn kiểm tra, bố ráp người ở lậu, nghi Việt cộng trà trộn trong ký túc xá. Bây giờ, tôi còn nhớ như in bao kỷ niệm ở ký túc xá, đặc biệt với riêng anh.

…Và thời gian trôi đi, tôi và anh không còn liên lạc nhau từ sau ngày đất nước toàn thắng cho đến năm 2005. Có lẽ anh lao vào công việc của anh, tôi cũng bộn bề công việc của tôi. Đầu năm 2005, được thông tin Long An sắp mở trường đại học do Tiến sĩ Lê Đình Viên làm chủ đầu tư! Đọc được tên anh tôi bán tín bán nghi. Xác minh rõ đúng là anh rồi!

Anh vẫn như xưa, mái tóc hơi dài xòa xuống vầng trán thông thoáng. Đôi mắt thì như “cặp đèn pha” lúc nào cũng ánh lên sự thấu cảm với mọi người. Anh vẫn giản đơn, bình dị, tươi vui, giọng nói vẫn bổ bả, hùng biện, quyết liệt như ngày nào. Anh kể về những năm tháng cày ải, có lúc lên bờ, lúc xuống ruộng trên thương trường ở TP.HCM trong hơn 30 năm thời bao cấp và thời đổi mới. Đó là giai đoạn khốc liệt mà anh phải căng trí lực của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau hơn 30 năm cống hiến và thành đạt trên thương trường.

Nghỉ hưu - vui thú điền viên ư? Hình như trong anh không có tư tưởng dừng lại. Theo anh, thành công trong sự nghiệp mới chỉ là phân nửa dòng chảy của đời sông, đời người. Chảy mãi đi sông ơi! Và anh lại tìm về vùng đất Cần Giuộc - Long An định trụ thờ cúng ông bà, lập họ tộc Lê Đình. Theo anh, đây là vùng đất đáng sống, vùng đất ven cận Sài Gòn từ rất sớm có phong trào nông dân yêu nước nổi dậy, vùng đất nuôi dưỡng nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và là vùng đất có truyền thống hiếu học gợi mở trong anh ý tưởng đầu tư vào sự nghiệp giáo dục tại Long An. Thực ra trong anh cũng có sự cân nhắc nếu đầu tư ở TP.HCM sẽ có thuận lợi hơn bởi nhiều mối quan hệ uy tín từ Thành ủy, chính quyền, doanh nghiệp nơi anh đã từng là Tổng Giám đốc một doanh nghiệp tiếng tăm, ăn nên làm ra ở thời điểm ấy.

Ý tưởng mở trường đại học ở Long An thời điểm 2003-2005 bắt đúng nhu cầu khát khao của Đảng bộ và nhân dân đang rất cần nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Có thể nói, điểm nghẽn lớn nhất của Long An bấy giờ là chất lượng nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu. Do vậy chỉ trong vòng gần 2 năm vừa lo thủ tục hành chính, vừa tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật cần thiết của trường đại học, tháng 5/2007, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An chính thức có tên trên hệ thống đại học Việt Nam.

Theo anh, việc hình thành, xây dựng một trường đại học chỉ khó một thôi. Nâng tầm, phát triển, tạo ra thương hiệu uy tín, vươn tầm quốc gia, thậm chí quốc tế là khó vạn lần. Càng khó càng phải kiên trì làm. Vấn đề đặt ra là mục tiêu phải đạt đến từng giai đoạn, từng chặng đường, có phương pháp đúng, giải pháp hiệu quả, đạt từng thành quả nhỏ để luôn tiến về phía trước dù có chậm nhưng phải chắc. Từ đây anh bắt đầu vạch kế hoạch từng bước xây dựng và phát triển Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An với tư duy tầm nhìn mới của trường đại học của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Công việc đầu tiên trong xây dựng trường được anh tập trung là khẩn trương soi tìm, tập hợp nguồn nhân lực chất lượng cao có uy tín, có kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, giảng dạy từ TP.HCM và tại tỉnh Long An để cùng chung tay xây dựng bộ khung quản lý điều hành, đội ngũ giảng viên chất lượng để Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An còn non trẻ vượt qua thời kỳ “Vạn sự khởi đầu nan”.

Thật khó mà nói hết những công việc, sự gầy dựng từ con số 0 ban đầu mà anh là người “đứng mũi chịu sào”. Theo anh, nguồn tri thức, nguồn nhân lực mới là giá trị thực trong cuộc sống. Chính giá trị thực ấy mới là mục tiêu, động lực để cuộc sống này mãi vươn lên tầm cao mới. Bản chất của cuộc sống là ai cũng có khát vọng thành đạt và thành nhân để cùng chia sẻ an lạc, an bình. Từ tư duy này ngay từ đầu xây dựng trường, anh đã quyết định chọn triết lý hành động, tôn chỉ giáo dục và đào tạo của trường là “Tri - Hành - Đạt nhân”. Mục tiêu thứ hai của trường là không chạy theo lợi nhuận, lấy thu bù chi, lợi nhuận sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nâng tầm đội ngũ giảng viên, mở rộng các chuyên ngành hệ đại học, liên kết mở ra hệ cao học, lập quỹ nghiên cứu, sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên, nghiên cứu sinh hàng tỉ đồng,... Có lẽ khát vọng cống hiến của anh quá lớn, năng suất làm việc của anh quá sức đã bào mòn nhanh sức khỏe của anh trong 10 năm đầu của trường. Biết sức mình, anh đã sớm chuyển giao thế hệ cho lớp sau. Thế hệ sau anh vẫn kiên định hành trình đi tới của Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An từ tầm nhìn mà anh đã vạch ra.

Chảy đi sông ơi! Chảy đi về nơi vĩnh hằng, an lạc! Anh yên tâm yên nghỉ, những hoài bão, khát vọng của anh sẽ được Hội đồng sư phạm nhà trường biến thành động lực, sức mạnh hoàn thành trọn vẹn tâm nguyện còn dở dang của anh./.

Lê Anh Dũng

Chia sẻ bài viết