Tiếng Việt | English

29/11/2023 - 21:17

Phải có cách nhìn mới, cách làm mới

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra giai đoạn phát triển nhanh chóng, làm thay đổi căn bản và toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội. Nó mở ra nền văn minh sáng tạo với trí tuệ nhân tạo (AI), vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho phát triển.

Ký kết hợp tác doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên của trường, mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên

Trong nhiều năm học qua, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An (DLA) đầu tư, tập trung cải tiến, đổi mới phương pháp dạy và học, tìm mô hình đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh học tập của sinh viên (SV) Long An, qua đó xây dựng tư duy, xác định mục tiêu học tập, rèn luyện của SV ngay khi bước vào năm học đầu tiên.

Từ năm học 2018 đến nay, trường có sự chuyển biến tích cực trong công tác dạy và học. Trường đặt ra 3 mục tiêu trong giai đoạn 2017-2022 và 2023-2025 mà mọi SV khi ra trường phải đạt: Một là, SV phải nắm vững kiến thức khoa học chuyên môn; Hai là, có kỹ năng sống, học tập, làm việc hiệu quả; Ba là, có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin và giao tiếp được bằng tiếng Anh.

"Ngoài việc tập trung giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ có kiến thức, chuyên môn, kỹ năng tốt,... giáo dục và đào tạo cần quan tâm giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên đối với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội”.

Thư của Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út gửi đến thầy, cô giáo nhân ngày 20-11-2023

Nhiều hội thảo chuyên đề về Đổi mới phương pháp dạy và học theo xu hướng 4.0 được Hội đồng khoa học DLA tổ chức với nhiều tham luận, kết quả nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn cao. Không thể dạy và học theo lối mòn, trường nỗ lực tìm ra một hướng đi “đặc thù”, thích hợp với “đầu vào” trung bình, “đầu ra” đạt yêu cầu xã hội, qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, tạo dựng thương hiệu cho DLA. Mục tiêu đào tạo 2 năm đầu là củng cố kiến thức căn bản gắn với giáo trình giáo dục đại cương cho SV. Song song đó, trường tập trung đào tạo các nội dung ngoại khóa về kỹ năng sống, kỹ năng mềm cần thiết để trang bị cho SV về phương pháp tìm kiếm tài liệu học tập, đọc và hiểu tài liệu, tổ chức thuyết trình với những tình huống từ đơn giản đến phức tạp, rèn luyện tư duy nhận thức, phê bình, phản biện, giải pháp đàm phán; quản trị thời gian, tiền bạc, giao tiếp, làm việc nhóm;...

Để thực hiện và hoàn thành khối lượng công việc nêu trên, đội ngũ giảng viên và SV phải nỗ lực lớn. Tất cả phải cùng hành động, cùng tương tác trong hướng dẫn học tập và xác định học tập với tư duy khám phá, sáng tạo.

Từ thực tại và định hướng, tầm nhìn đến 2030 của DLA, SV sẽ học tập, nghiên cứu qua các ứng dụng, tìm kiếm học liệu, bài tập trong môi trường thế giới mở bên cạnh các công cụ hỗ trợ công tác đào tạo, quản lý SV.

Mục tiêu, phương hướng đào tạo đã rõ, vấn đề đặt ra là quá trình thực hiện, sự kiên trì trong hành động và có sự đầu tư đúng mức, phù hợp để phát triển từ đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên đến SV./.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Viên

Chia sẻ bài viết