Tiếng Việt | English

01/05/2019 - 15:55

Nhật Bản dùng trí tuệ nhân tạo tư vấn sức khỏe cho người dân

Tỉnh Saitama, Nhật Bản vừa chính thức thử nghiệm phần mềm tư vấn sức khỏe sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn tỉnh trước khi đưa vào sử dụng chính thức từ giữa tháng 7 tới.

Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong y tế nhằm giảm áp lực cho các y sĩ - Ảnh: Reuters

Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong y tế nhằm giảm áp lực cho các y sĩ - Ảnh: Reuters

Phần mềm này cung cấp dịch vụ chẩn đoán y tế và tư vấn trong trường hợp người sử dụng có vấn đề về sức khỏe, gặp sự cố khẩn cấp, hay cần chuyên gia tư vấn, báo Mainichi của Nhật Bản đưa tin.

Đây là phần mềm tư vấn y tế khẩn cấp vận hành bằng trí tuệ nhân tạo đầu tiên của Nhật Bản.

Theo đó, người sử dụng đặt câu hỏi và nhận tư vấn dưới hình thức trao đổi tin nhắn. Phần mềm có thể được sử dụng trên bất kỳ thiết bị thông minh nào bao gồm điện thoại và máy tính bảng.

Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin bệnh tình, hệ thống sẽ chẩn đoán bệnh cho người sử dụng dịch vụ dựa trên 108 mẫu đã được cài đặt sẵn trong hệ thống, kèm hướng dẫn về cách chữa trị, có cần đi khám hay không và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Trong mục hỏi - đáp (Q&A), bệnh tình sẽ được xếp theo năm cấp độ dựa trên độ cấp thiết và nguy hiểm. Ví dụ, "Bạn cần gọi xe cứu thương ngay" hay "Hãy đi bác sĩ".

Phần mềm cũng tích hợp một số chức năng khác như gọi điện đến dịch vụ tư vấn sức khỏe của tỉnh hay số điện thoại khẩn cấp 119.

Phần mềm được dự kiến chạy thử nghiệm đến hết ngày 31/5. Dựa trên kết quả đợt thử nghiệm này, tỉnh sẽ cải thiện dịch vụ và chất lượng phần mềm để đưa vào sử dụng chính thức từ ngày 19/7.

Saitama, một trong 5 tỉnh đông dân nhất Nhật Bản, đã có dịch vụ tư vấn y tế qua điện thoại từ tháng 10/2017 để bệnh nhân không cần lo lắng về bệnh tình, cũng như tránh phiền hà phải đi khám bệnh những khi không cần thiết.

Tuy vậy, ban đêm và ngày lễ không ít người gặp khó khăn trong liên hệ chuyên viên tư vấn vì các cơ sở y tế đều nghỉ.

Việc đưa phần mềm mới này vào sử dụng sẽ hạn chế việc đi lại, lan truyền thông tin thiếu chính thống và không đáng tin cậy trên mạng, cũng như đảm bảo vấn đề sức khỏe của người dân, đặc biệt là đối với các vùng hẻo lánh.

Nhiều luồng ý kiến hiện cho rằng Nhật Bản vẫn còn chậm chạp trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác y tế và đòi hỏi các cơ sở phải thay đổi.

Nhìn chung, những dịch vụ này nhằm giảm áp lực và công việc của các y sĩ và bác sĩ trong khu vực, đồng thời giải quyết vấn đề đi lại khó khăn đối với những người ở vùng sâu vùng xa mà cần được tư vấn hoặc khám bệnh để lấy thuốc.

Để đảm bảo chất lượng và an toàn cho người sử dụng, Bộ Y Tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã đưa ra quy định về việc đảm bảo độ chính xác kết quả chẩn đoán được đưa ra qua các phần mềm này./.

Theo tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích