Tiếng Việt | English

31/07/2017 - 01:40

Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô!

Đã đành, sinh con gái đôi lúc sẽ buồn bởi con chẳng về thăm nhà được thường xuyên, những ngày lễ, tết sẽ bớt đông vui hơn nhưng biết đâu con gái sẽ có cách thể hiện tình cảm riêng.

 

Ảnh minh họa

"Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô", quan niệm ấy đã ăn sâu vào tiềm thức bao đời của người Việt. Thiết nghĩ sinh ra là thân con gái có cũng như không. Con gái sẽ chẳng là nơi bố mẹ có thể trông ngóng lúc tuổi già, cũng không phải là người nối dõi tông đường để rồi hương khói thường xuyên trên bàn thờ tổ tiên. Ấy là chưa kể đến nếu con có "sa cơ lỡ vận" thì lại "con dại cái mang" hoặc giả như có lấy chồng xa thì coi như mất con bởi cả năm chẳng bước chân đến nhà mẹ. Nghĩ như vậy nên tâm lý của nhiều người là phải cố có con trai nhất là ở những làng quê. Và cái sự phải cố ấy lại đương nhiên đặt lên vai người phụ nữ.

Thím Hai nhà bên một nách ba con, lam lũ nheo nhóc ấy thế mà cố có thêm đứa nữa xem có ra thằng cu không. "Cũng khổ lắm nhưng đời nó phải vậy"- thím than thở. Bác Tính đầu làng đã năm cô con gái và bây giờ thì không cố được nữa, bác đành đi xin một anh cu ngoài bệnh viện huyện về nuôi để "Hai vợ chồng trông ngóng tuổi già và làng nước đỡ nói ra nói vào". Có chị còn chuẩn bị tâm lí trước thậm chí là tiền bạc để chồng đi lấy vợ khác hay đi kiếm đâu đó một mụn con trai cho gia đình. Bây giờ kỹ thuật hiện đại ta không còn "trời cho con nào thì biết con ấy" nữa mà họ mách bảo nhau: "Đằng nào cũng phải có con trai thì tốt nhất đi ra bệnh viện A tính trước đi". Mẹ đẻ, mẹ chồng động viên con dâu, con gái tính toán đi cho đỡ khổ, mọi người thế mình không thế không yên được. Suy nghĩ ấy, nó ăn sâu vào nếp ăn, nếp ở của mỗi gia đình.

Ảnh minh họa

Điều muốn nói là ngay cả đến người phụ nữ, người phải chịu những gánh nặng ấy bao đời họ cũng tư duy coi như đó là chuyện đương nhiên và rồi tự mình gánh vác lấy hết trách nhiệm và nếu làm không xong thì dằn vặt, đau khổ bởi áp lực từ chính bản thân, từ xã hội, gia đình và thậm chí là cả chính người chồng của mình nữa. Đã đành, sinh con gái đôi lúc sẽ buồn bởi con chẳng về thăm nhà được thường xuyên, những ngày lễ tết sẽ bớt đông vui hơn nhưng biết đâu con gái sẽ có cách thể hiện tình cảm riêng. Sinh con gái rồi chẳng có ai nối dõi như các cụ thường giáo huấn ấy thế nhưng thiết nghĩ sống cho hiện tại, hạnh phúc trong đời sống có hơn không khi đã nhắm mắt xuôi tay. Thương nhớ, tưởng niệm trong tâm tưởng các con là đủ rồi. Đừng tự mình nhận lấy gánh nặng thì sẽ chẳng phải nhận áp lực từ ai cả. Mọi người như thế không có nghĩa là mình phải thế. Sống cho mình chứ đừng sống hộ người khác, sống vì mong muốn của người khác.

Ai cũng muốn "có nếp có tẻ" thế nhưng "giời cho con nào quý con nấy" đừng vì không như mong muốn của mình và của mọi người mà thành ra lạnh nhạt hờ hững với con rồi lại dằn vặt, đau khổ. Sẽ là bi kịch tinh thần cho phụ nữ nếu cứ giữ mãi nếp nghĩ cũ./.

Theo nld.com.vn

 

Chia sẻ bài viết