Tiếng Việt | English

02/08/2016 - 11:18

Nhiều ngành được dự báo sẽ khát nhân lực trong những năm tới

Các ngành thuộc khối kỹ thuật, CNTT, y tế, dệt may, da giày... đang được dự báo là có nhu cầu nhân lực lớn trong thời gian tới.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, hiện nay ở một số ngành dịch vụ cung đang vượt cầu, trong khi các ngành công nghiệp-xây dựng cung lại chưa gặp cầu.

10 nhóm ngành trọng tâm phát triển, có nhu cầu nhân lực lớn

Trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo, Điện tử và viễn thông, Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo.

Trong đó tập trung phát triển 10 ngành trọng điểm bao gồm ngành điện, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, ngành chế biến nông lâm, thủy sản, thực phẩm, đồ uống, ngành hóa chất,ngành dệt may, da giày, ngành điện tử, ngành công nghệ thông tin, ngành cơ khí-luyện kim, ngành dầu khí.

Nhóm ngành về Kỹ thuật, CNTT... được dự báo là có nhu cầu nhân lực lớn trong thời gian tới.

Với sự phát triển của ngành đương nhiên sẽ cần nhiều nhân lực để phục vụ hoạt động sản xuất. Đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao như kỹ sư cơ khí, kỹ sư thủy sản, kỹ sư công nghệ thông tin…Theo dự báo trong giai đoạn 2016 - 2020 đến năm 2025, tại thành phố Hồ Chí Minh dự báo mỗi năm có khoảng 270.000 cơ hội việc làm.
Trong đó nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, trình độ cao đẳng chiếm 15%, trình độ đại học chiếm 17%, trên đại học chiếm 2%. Như vậy nhu cầu tuyển dụng nhân lực qua đào tạo của các doanh nghiệp là khá cao.

Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính chiếm tỷ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỷ trọng 3-5%.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương(TPP) chính thức được thông qua. Khả năng FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Việc tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng yêu cầu của hiệp định cũng khiến dòng vốn vào lĩnh vực công nghệ thông tin khả quan hơn, bên cạnh ngành sản xuất - chế biến thực phẩm dự báo hút vốn từ các tập đoàn đa quốc gia muốn tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước. Một số ngành kinh tế có thể phát triển nhanh nhờ vào mức tăng trưởng kinh tế đạt được thông qua quá trình tự do hóa thương mại như các ngành: Dệt may, da giày, thủ công nghiệp, thủy sản, điện tử, đồ gỗ và nội thất… Những tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế ở khu vực này sẽ mang lại nhiều cơ hội về việc làm.

Nhiều ngành nghề mới

Cũng theo công bố mới đây của trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM quá trình phát triển thị trường lao động trong giai đoạn các năm tới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập làm thay đổi một số cơ cấu ngành nghề trong xã hội. Một số nhóm ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Các nhóm ngành này vẫn dựa trên cơ sở của những nhóm ngành cũ và có sự kết hợp, lồng ghép các nhóm ngành với nhau dẫn đến sự hình thành của những nhóm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Có thể kể đến như ngành bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D. Vẫn dựa trên nền tảng của ngành đào tạo là công nghệ thông tin và được phát triển theo hướng chuyên sâu hơn. Với nhóm ngành kỹ thuật sẽ có những ngành mới như kỹ thuật thương mại, quản trị viên của các ngành kỹ thuật. Với nhóm ngành xã hội cũng được dự báo sẽ có thêm các ngành như tư vấn học đường, tâm lý xã hội, tâm lý điều trị bệnh lý...

Thách thức nào cho nhân lực Việt Nam

Theo những con số thống kê cho thấy ngành CNTT đang là một trong những ngành có nhu cầu lớn trong giai đoạn hiện nay, cung không đủ cầu, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn cho rằng phải cạnh tranh khốc liệt với các tập đoàn lớn để đón đầu được nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên vẫn tồn tại một nghịch lý, trong khi các doanh nghiệp chờ “đỏ mắt” thì còn rất nhiều nhân lực được đào tạo chuyên môn về ngành này lại đang thất nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Khuê, PGĐ công ty CP Công nghệ DKT, nguyên nhân dẫn đến vấn đề này do nguồn nhân lực vừa thiếu lại vừa thừa. Đơn cử như ngành CNTT, bà Khuê cho rằng, đây là một ngành khó, có tính thay đổi công nghệ nhanh chóng, đòi hỏi nguồn lực CNTT liên tục học hỏi, cập nhật công nghệ, thì mới đáp ứng được yêu cầu. Vì thế có thực trạng nhiều bạn theo học ngành này theo trào lưu nhưng thiếu đam mê công nghệ, mức gắn bó phát triển với nghề yếu vẫn còn cao, dẫn đến ngành này đào tạo đã thiếu, chất lượng vẫn chưa đảm bảo.

Hay trong lĩnh vực Nhà hàng khách sạn, giám đốc nhân sự JW Marriott cũng cho biết nhiều đơn vị hiện đang khát nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực hiện có trên thị trường lao động Việt Nam mới chỉ cung cấp được 50-60% nhu cầu tuyển dụng. Song vấn đề cung chưa kịp cầu, nhưng vẫn thất nghiệp hàng loạt cũng được coi là thực trạng chung cho ngành nhà hàng khách sạn.

Nhiều nhà tuyển dụng chia sẻ, thách thức lớn nhất đối với nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp. Đây là những yếu tố giúp nhân lực Việt Nam đủ sức cạnh tranh với nhân lực nước ngoài trong bối cảnh gia nhập TPP và AEC./.

CTV Nguyễn Trang/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết