“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc luôn được thế hệ này qua thế hệ khác gìn giữ, phát huy. Ơn của thầy cô, những người lái đò tận tụy vì mầm xanh đất nước, luôn được trân trọng, tôn vinh. Các thế hệ học trò luôn nhắc về thầy xưa, trường cũ với lòng biết ơn sâu sắc.
“Con đò mộc - mái đầu sương/ Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày/ Khúc sông ấy vẫn còn đây/ Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông...” (Người lái đò - Thảo Nguyên). Cả cuộc đời đứng trên bục giảng, dấn thân cùng nghề giáo với ngọn lửa nghề cháy bỏng, ươm mầm cho những thế hệ tương lai, “con đò” ấy nào quản ngại sông sâu, đường dài, cứ năm này qua năm khác đưa từng thế hệ học trò sang sông. Dù màu thời gian có phủ đầy theo năm tháng nhưng bến sông xưa, con đò cũ vẫn cần mẫn đưa những chuyến “đò đầy”. Ơn thầy là vậy đó, cứ cho đi, chứ nào mong nhận lại. Sự trưởng thành của “khách sang sông”, không quên từng bài học làm người mà thầy “Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em” chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với những ai đứng trên bục giảng.
Nào phải xong giờ lên lớp là không còn bận tâm, mà “Ai còn dằn vặt đêm sâu/ Trong từng sợi tóc bạc màu truân chuyên” (Xin lỗi các em - Trần Ngọc Hưởng). Thầy lo đủ điều, kể cả tự trách mình đôi lúc vô tình dửng dưng trước các em, hay tuổi xanh rụng dần theo năm tháng, và bao bộn bề cơm áo gạo tiền bên ngoài cổng trường,... Người thầy là vậy đó, sợ mình chưa toàn tâm toàn ý để chuyển tải thật nhiều kiến thức, đạo lý làm người qua từng bài giảng đến với học trò. Nhưng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, có mấy ai hiểu được. Những buổi trốn học vui cùng bè bạn, lên lớp không thuộc bài, hay có những lời lẽ xúc phạm thầy cô,... bao dại khờ tuổi học trò làm buồn lòng những người nặng sâu ơn nghĩa. Thế nhưng, thương học trò, lo cho tương lai các em, thầy cô lại gần gũi khuyên răn bởi những người mẹ, người cha thứ hai ấy luôn mong con mình lớn thành người. Một sự cho đi vô cùng thiêng liêng, cao cả!
Dấn thân với nghề, không ít thầy, cô giáo chọn về nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để gieo từng con chữ. Nhiều gia đình nhà giáo, ngọn lửa nghề được trao qua nhiều thế hệ, thật cao quý biết bao. Nào ngại gian lao, quản chi nhọc nhằn, từng mầm xanh tương lai đất nước thấm đẫm giọt mồ hôi, bao công sức của người thầy.
Rồi trên đường đời muôn lối rẽ, các thế hệ học trò tung cánh muôn phương, một ngày ngoái lại, cùng nhớ về trường xưa, thầy cũ, bao ký ức tràn về với đong đầy kỷ niệm. Thầy xưa nay tóc đã bạc thật rồi, bởi biết bao lớp bụi phấn phủ dày theo năm tháng. Tri ân thầy cô, ai cũng tự hứa với lòng không quên lời thầy dạy, sống làm người có ích. Những điều mong mỏi, niềm tin vào tương lai của người thầy đặt ở từng học trò cần trở thành hiện thực, đó chính là điều mà các thầy cô mong đợi nhất.
Từng thế hệ học trò thành đạt trong cuộc sống trở về trường xưa với nhiều hoạt động ý nghĩa: Tri ân thầy cô, thăm hỏi những nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng, tiếp sức đến trường, tư vấn ngành nghề,... cho thế hệ đàn em. Nhiều hoạt động thiết thực của các hội cựu học sinh thời gian qua phần nào thể hiện tấm lòng của những người khách sang sông tìm về bến đò xưa, người lái đò năm cũ để được tỏ lòng tri ân sâu sắc. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, tất cả cùng dệt nên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Những ai đang và từng ngồi trên ghế nhà trường đều không thể nào quên những người dày công đưa mình đến bến bờ tri thức. Bất kể ở vị trí nào trong xã hội, hình bóng người thầy vẫn vô cùng thiêng liêng và cao cả trong mỗi chúng ta. Nhớ về thầy cũ, mọi người cùng tha thiết: “Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi/ Cho chúng con khoanh tay cúi đầu lần nữa/ Gọi tiếng thầy với tất cả tin yêu...” (Thầy - Ngân Hoàng). Nhớ mãi ơn thầy, nguyện sống sao cho xứng đáng!
Long An