Tiếng Việt | English

08/12/2023 - 14:23

Tập huấn nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho đối tượng quản lý sản phẩm đặc sản của địa phương

Ngày 08/12, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An phối hợp Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng quản lý khoa học và công nghệ - Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo về việc tổ chức Lớp tập huấn “Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ phục vụ xây dựng mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm đặc sản của địa phương”. Tham gia lớp tập huấn có đại diện các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, các Hợp tác xã, doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt sản phẩm OCOP của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Võ Bửu Viết Cường phát biểu tại buổi tập huấn

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Võ Bửu Viết Cường cho biết, sở hữu trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của đất nước nói chung và đối với địa phương nói riêng. Các hoạt động sở hữu trí tuệ tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và nâng cao đời sống của người dân địa phương. Giá trị tài sản trí tuệ có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị các tài sản hữu hình.

Việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao năng lực, vị thế của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhãn hiệu tập thể của HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh, Thủ Thừa

Tham gia lớp tập huấn, các đại biểu được cập nhật các quy định mới liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung năm 2022; các giải pháp tăng cường bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu cho đặc sản của địa phương; các hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của địa phương; bảo vệ, quản lý, khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của địa phương.

Qua lớp tập huấn, học viên có thể nắm vững pháp luật về sở hữu trí tuệ và tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nâng cao năng lực khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa tỉnh nhà trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Khoai mỡ Bến Kè, Thạnh Hóa hiện có chỉ dẫn địa lý và tạo ra giá trị kinh tế cho người trồng

Tại Long An, tính đến tháng 11/2023 có khoảng 10.500 đơn đăng ký nhãn hiệu, 740 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 105 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích và hơn 6.400 giấy chứng nhận nhãn hiệu, 480 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 34 bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích, 2 chỉ dẫn địa lý là sản phẩm thanh long Châu Thành - Long An và khoai mỡ Bến Kè, 3 nhãn hiệu chứng nhận (thanh long Châu Thành Long An, nếp Thủ Thừa Long An, Bến Kè khoai mỡ Thạnh Hóa) và 89 nhãn hiệu tập thể (HTX Dương Xuân, HTX thanh long Tầm Vu, HTX NN Mỹ Thạnh,…) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận.

Hiện tại, Long An có 2 chỉ dẫn địa lý đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp là Chanh không hạt Bến Lức và Gạo Nàng Thơm Chợ Đào; đang triển khai thực hiện đăng ký cho 3 Nhãn hiệu chứng nhận là rượu đế Gò Đen, rau Cần Giuộc, mai vàng Thủ Thừa và mai vàng Tân Tây và 7 nhãn hiệu tập thể đang chờ cấp giấy chứng nhận.

Việc nhận biết, bảo vệ, khai thác và phát triển tốt tài sản trí tuệ sẽ góp phần bảo đảm quyền hợp pháp cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua đó, ngăn chặn và chống các hành vi trái phép, tránh rủi ro, bảo đảm tính thống nhất trong công tác quản trị, phù hợp với chiến lược thương hiệu, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao uy tín, chất lượng và mở rộng thị trường./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Giải mã khoai môn sấy bao nhiêu calo trong gói 100gĐơn vị cung cấp Công Nghệ Thiên Nhiên Từ Trà Việt uy tínĐơn vị cung cấp Đẳng Cấp Đích Thực Với Trà Việt uy tín chai lọ mỹ phẩm ifree