Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực gia đình
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng cả nước đưa tin nhiều vụ BLGĐ, xâm hại thể chất, tinh thần trẻ em gây rúng động dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự cũng như sự phát triển tâm, sinh lý và nhân cách của trẻ em.
Xuất phát từ tình hình trên, để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi BLGĐ và xâm hại trẻ em, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, Hội LHPNVN xã Hướng Thọ Phú (TP.Tân An, tỉnh Long An ) xây dựng Tổ PN an toàn - không bạo lực đối với PN và trẻ em gái.
Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm không của riêng ai để góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc
Chủ tịch Hội LHPNVN xã Hướng Thọ Phú - Nguyễn Thị Lan Thanh cho biết: “Tổ PN an toàn - không bạo lực đối với PN và trẻ em gái được thành lập 2 năm nay tại Chi hội ấp 4 với 13 thành viên nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi bạo lực, góp phần xây dựng gia đình hòa thuận, vợ chồng bình đẳng.
Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho hội viên, PN và người dân nhận thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong công tác phòng, chống các hành vi bạo lực đối với PN, trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em để cùng chung tay thực hiện”.
Thông qua các cuộc sinh hoạt định kỳ hàng quí, các thành viên được tuyên truyền về các hành vi bạo lực đối với PN và xâm hại trẻ em thường gặp. Đây cũng là dịp để các thành viên chia sẻ tâm tư, khó khăn, vướng mắc trong xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cũng như bí quyết “giữ lửa” hạnh phúc gia đình.
Ngoài ra, Hội duy trì CLB Gia đình hạnh phúc với 15 hộ gia đình, sinh hoạt định kỳ hàng quí; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục thông qua họp tổ dân cư, họp lệ các chi, tổ hội, các đoàn thể khác, qua bản tin, tờ rơi, thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống BLGĐ và xâm hại trẻ em;...
Từ đó, hội viên, PN và người dân mạnh dạn lên tiếng khi xảy ra các hành vi BLGĐ. Đặc biệt, từ khi xây dựng Tổ PN an toàn - không bạo lực đối với PN và trẻ em gái đến nay, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, cũng như công tác phối hợp giám sát, phát hiện, xử lý các vụ việc bạo hành gia đình, tình trạng BLGĐ trên địa bàn xã giảm đáng kể, không xảy ra các vụ bạo hành nghiêm trọng.
“Địa chỉ tin cậy” - điểm tựa của phụ nữ
Hội LHPNVN huyện Cần Đước là một trong những đơn vị hoạt động năng nổ, tích cực trong công tác phòng, chống BLGĐ. Ngoài việc triển khai hiệu quả các chương trình trọng tâm của công tác Hội, hỗ trợ hội viên, PN phát triển kinh tế, những năm gần đây, các cấp Hội trên địa bàn huyện còn chú trọng xây dựng, nâng cao hoạt động của các mô hình, CLB phòng, chống BLGĐ và các Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.
Những năm qua, trên địa bàn ấp 2, xã Long Định có một mô hình Địa chỉ tin cậy được duy trì hiệu quả, đó là nhà của bà Trần Thị Bình. Đây là nơi ở, tạm lánh cho các nạn nhân bị BLGĐ. Hàng năm, Địa chỉ tin cậy này kịp thời hỗ trợ 16 chị em PN và người dân trên địa bàn xã gặp khó khăn trong cuộc sống như tư vấn tiếp cận tư pháp, hôn nhân - gia đình, mâu thuẫn gia đình. Bên cạnh đó, Địa chỉ tin cậy còn là cầu nối vận động mạnh thường quân hỗ trợ hội viên, PN nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên địa bàn tỉnh chú trọng xây dựng, nâng cao hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình và các “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng
Theo bà Trần Thị Bình, nguyên nhân chính dẫn đến BLGĐ thường xuất phát từ những vấn đề như “trọng nam, khinh nữ”, khó khăn về kinh tế, rượu chè, cờ bạc,... đẩy nhiều gia đình rơi vào “ngõ cụt”, bế tắc. Từ khi thành lập đến nay, mô hình Địa chỉ tin cậy trở thành “điểm tựa” cho những PN bị bạo hành.
Bà Bình chia sẻ: “Nhiều người lo lắng cho sự an toàn của tôi vì phải tiếp xúc với những người gây bạo lực nhưng nhìn lại nỗi khổ của các chị em, tôi cố gắng làm tròn vai của mình. Tôi nghĩ, nếu còn tư tưởng “đèn nhà ai nấy sáng” thì không thể chung tay ngăn chặn, đẩy lùi nạn BLGĐ được”.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, Chủ tịch Hội LHPNVN xã Long Định - Đoàn Hoàng Uyên cho biết: “Mô hình Địa chỉ tin cậy góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, mô hình còn huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ban chỉ đạo phòng, chống BLGĐ, tổ hòa giải, công an xã,... phối hợp các dòng họ, gia tộc, những người có uy tín trong gia đình, cộng đồng để hòa giải, tư vấn, ngăn ngừa, phòng, chống BLGĐ nếu có vụ việc, sự việc xảy ra. Nhờ sự hỗ trợ, tư vấn, nhiều chị em được bảo vệ trước nạn BLGĐ, nhiều cặp vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn nay đã hàn gắn, hòa thuận”.
Việc thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả của các mô hình, CLB phòng, chống BLGĐ là cấp thiết và phù hợp, thể hiện sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng. Đây còn là kênh tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ đến các hội viên; chủ động nắm bắt thông tin, giúp đỡ nạn nhân bị BLGĐ, hỗ trợ ăn, ở tạm thời; báo cáo với chính quyền địa phương và phối hợp xử lý kịp thời những vụ việc liên quan đến BLGĐ. Qua đó, tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động của người dân, giảm thiểu các vụ BLGĐ gây nhức nhối trong dư luận, tạo sức lan tỏa rộng khắp; góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc./.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 360 câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc với hơn 10.600 thành viên; 639 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 311 câu lạc bộ Không sinh con thứ 3 trở lên và nhiều mô hình ở cơ sở liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình. |
Thùy Minh