Tiếng Việt | English

28/05/2020 - 20:13

Những đồng vốn nghĩa tình

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Long An kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên,... góp phần cùng địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống
Nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống

Xác định việc giúp người nghèo có nguồn vốn đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh là chìa khóa giảm nghèo bền vững, nhiều địa phương tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh để tiếp sức cho người nghèo, đồng thời hoàn thành tiêu chí xây dựng xã văn hóa - nông thôn mới. 

Đến thăm gia đình bà Phạm Thị Thu Huyền, ngụ xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, chúng tôi mới thấy hết ý nghĩa của nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tại đây, bà kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng gian khó, bệnh tật, nhưng nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò sinh sản và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Huyền trải lòng: “Đối với người nghèo, được hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, kinh doanh cùng với ý chí vượt khó thì việc thoát nghèo chỉ là sớm hay muộn. Gia đình tôi cảm ơn những đồng vốn nghĩa tình từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và sự quan tâm của chính quyền địa phương.Giờ đây, cuộc sống gia đình không còn “thiếu trước, hụt sau”, thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên”.

Nhìn đàn bò hơn 15 con của bà Nguyễn Thị Bông, ngụ xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, ít ai biết rằng bà từng trải qua cuộc sống gian khó, một mình gồng gánh nuôi hai người con nhỏ. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Bông, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Hòa Tây, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho bà vay vốn 50 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Những ngày đầu, bà học hỏi kỹ thuật nuôi bò sinh sản chủ yếu từ người quen và người bán bò giống.Sau thời gian chăn nuôi ổn định, bà Bông tiếp tục được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nâng mức cho vay lên 100 triệu đồng. Với số tiền này, bà mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mua thêm 3 con bò nái. Đến nay, đàn bò của gia đình bà có hơn 15 con.Ngoài ra, gia đình bà còn là một trong những hộ cung cấp con giống cho người dân trong và ngoài huyện.

Bà Bông vui vẻ nói: “Hiện nay, tôi đang trả vốn và lãi suất định kỳ cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Với lãi suất ưu đãi, thời gian hoàn trả vốn 5 năm, không chỉ tôi mà nhiều hộ nghèo khác ở địa phương cảm thấy vui mừng và an tâm, vì không phải lo về nguồn vốn xoay vòng phát triển sản xuất, kinh doanh. Giờ đây, gia đình đã thoát nghèo, từ đó tôi mạnh dạn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản cho người dân địa phương”.

Ngoài nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều địa phương còn tận dụng nguồn vốn tại chỗ để chăm lo người nghèo. Cụ thể, Hội Cựu chiến binh huyện Tân Thạnh huy động nguồn vốn bằng việc thành lập, duy trì các mô hình: 10+1, 5+1; quỹ Về nguồn, quỹ Tình thương đồng đội, phong trào Cựu chiến binh gương mẫu;...Nhờ vậy, Hội Cựu chiến binh huyện không chỉ giúp hội viên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn xây dựng tình làng, nghĩa xóm bền chặt.

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đến nay, hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,52%, thu nhập bình quân đầu người trên 72 triệu đồng/năm. Đây chính là minh chứng cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững thực sự đi vào cuộc sống, góp phần hoàn thành và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) về giảm hộ nghèo tỉnh dưới 3%./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết