Tiếng Việt | English

17/11/2022 - 10:12

Những 'người mẹ thứ hai' của trẻ

Giáo viên mầm non (GVMN) vốn là một nghề vất vả. Người làm nghề ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có lòng yêu trẻ mới có thể đảm trách được vai trò “người mẹ thứ hai” của các bé như lời bài hát:

“Cô và mẹ là hai cô giáo

Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”.

1. Sau giờ hoạt động góc trong lớp, đến giờ ăn, cô Hồ Nhựt Ái Phương (GV lớp Lá 7, Trường Mẫu giáo Phước Lợi, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) hướng dẫn các bé xuống nhà ăn. Hướng dẫn học sinh vào đúng chỗ ngồi, cô cùng đồng nghiệp mang phần ăn đến cho từng bé. Sau đó, cô quan sát, nhắc nhở ăn nghiêm túc và giúp đỡ các bé khi cần.

“Thưa cô con muốn thêm canh”, “Thưa cô con ăn xong rồi”, “Thưa cô...”, tiếng các bé gọi xôn xao, cô Ái Phương vẫn vui vẻ đáp lời từng bé kèm theo câu dặn dò: “Các con ăn ngoan, ăn hết phần ăn để có nhiều sức khỏe”. Giờ ăn kết thúc, các bé lên lớp học, cô lại ân cần thay quần áo, chải lại tóc, xếp chỗ ngủ cho từng em. Hơn 12 giờ trưa, khi các bé đã ngủ yên, cô mới có chút thời gian cho mình.

Trước khi cho các bé ngủ trưa, cô Hồ Nhựt Ái Phương giúp học sinh vệ sinh cá nhân, chải tóc

 Đó chỉ là một phần công việc thường ngày của những GVMN nói chung và cô Ái Phương nói riêng. Cô Ái Phương vào nghề được 7 năm và cảm thấy hạnh phúc khi làm công việc yêu thích từ lúc còn nhỏ. Cô Ái Phương kể: “Hàng xóm nhà tôi là GVMN, từ nhỏ, tôi hay sang nhà cô chơi, xem cô làm đồ dùng dạy học. Tôi thích lắm và mơ ước lớn lên được trở thành GVMN. Làm nghề tuy vất vả nhưng rất vui”. Niềm vui lớn nhất của cô giáo trẻ Ái Phương là được học sinh yêu quý. Những chiều tan lớp, trên đường về, ngang qua trường tiểu học, nghe tiếng các em í ới chào, cô vui vì biết học sinh vẫn còn nhớ đến mình.

Với trẻ mầm non, ngoài giảng dạy, các cô còn chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ. Khi có bé bệnh hoặc mệt, cô dỗ dành. Phải liên tục xây dựng hoạt động cho các bé vừa học, vừa chơi, cô Ái Phương ít có thời gian nghỉ ngơi. Thế nhưng, chưa khi nào cô cảm thấy hối hận về quyết định trở thành cô giáo mầm non của mình. Cô Ái Phương chia sẻ: “Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi được ở cạnh các bé. Các bé hồn nhiên và rất yêu thương cô giáo. Thời điểm tôi mang thai, các bé tuy nhỏ nhưng biết quan tâm bằng những cử chỉ rất đáng yêu”.

2. 16 năm dạy mầm non, đôi lần muốn bỏ nghề nhưng tình yêu nghề, mến trẻ đã giúp cô Võ Thị Ngọc Trang (GV lớp Lá 5, Trường Mẫu giáo Thị Trấn Tầm Vu, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) trở thành GV kỳ cựu, được đồng nghiệp thương và học sinh quý mến. Cô Ngọc Trang chia sẻ: “Cứ đến lớp, tôi cảm thấy mọi mệt mỏi đều tan biến. Có hôm sức khỏe không tốt nhưng tôi vẫn cố gắng đến lớp. Loay hoay với các bé một lúc là quên cơn đau. Các em biết quan tâm và giúp đỡ cô nên tôi cảm thấy công việc của mình thật vui và hạnh phúc”.

Với cô Võ Thị Ngọc Trang, chơi với học sinh giúp cô vui vẻ và quên đi mệt mỏi

Để học sinh có nhiều dụng cụ học tập, đồ chơi, ngoài giờ lên lớp, cô Ngọc Trang còn dành thời gian nghiên cứu làm đồ dùng dạy học, học cụ có thể lắp ráp giúp các em phát triển vận động tinh và sự sáng tạo. Cô Ngọc Trang cho biết: “Nếu làm các mô hình cây cảnh, hoa, trái đơn thuần, các bé chỉ cầm lên chơi rồi đặt xuống nhưng với đồ chơi có thể lắp ráp, các bé phải dành thời gian tư duy, lắp ráp và mỗi lần chơi sẽ là một lần sáng tạo khác nhau”.

Không chỉ làm đồ dùng học tập, cô Ngọc Trang cùng các đồng nghiệp còn làm đồ chơi ngoài trời, trang trí sân trường, tạo cảnh quan cho các bé vui chơi. Để có thời gian cho công việc nhưng vẫn chăm sóc tốt gia đình, mỗi ngày, cô Ngọc Trang thức dậy từ sớm, chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà trước khi đến trường. Dù rất bận khi cân bằng giữa công việc và gia đình nhưng với cô Ngọc Trang, đó là niềm vui. Tình yêu nghề, mến trẻ tiếp thêm cho cô động lực phấn đấu.

Nghề giáo là nghề cao quý nhưng vô cùng vất vả. Với GVMN, vất vả gấp đôi bởi ngoài dạy kiến thức, GV phải chăm sóc các bé từng bữa ăn, giấc ngủ. Thế nhưng, dù khó khăn, vất vả, với tình yêu trẻ, các cô vẫn cố gắng và phấn đấu từng ngày./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết