Tiếng Việt | English

19/07/2016 - 09:21

Những tín hiệu vui từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã hoàn thành quy hoạch, đề án ngành hàng quan trọng giai đoạn 2010-2020. Nhiều cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao (chanh, thanh long, bắp, rau màu các loại, mè,…) góp phần tăng thu nhập người dân nông thôn.


Tái cơ cấu nông nghiệp giúp nông dân tăng thu nhập

Hiệu quả bước đầu

Tính đến thời điểm này, ngành nông nghiệp hoàn thành quy hoạch, đề án ngành hàng quan trọng giai đoạn 2010-2020 để có cơ sở đầu tư trọng tâm, trọng điểm như quy hoạch vùng lúa chất lượng cao phục vụ chế biến gạo xuất khẩu, quy hoạch sản xuất mía, vùng sản xuất rau an toàn, phát triển thủy sản, nông lâm ngư nghiệp đề án phát triển chanh, thanh long đến năm 2020, đề án cơ giới hóa nông nghiệp,…

Nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh, nâng cao giá trị sản xuất, trên cơ sở đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Long An xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và thực hiện kế hoạch chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất có hiệu quả cao hơn. Đồng thời, phát triển các mô hình kinh tế trang trại, nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao đời sống thu nhập của người dân và góp phần ổn định kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Về trồng trọt, tỉnh xác định diện tích đất lúa có năng suất thấp, bấp bênh thực hiện chuyển đổi sang cây trồng khác đang có đủ điều kiện, lợi thế trong sản xuất theo từng vùng sinh thái như cây bắp, cây mè, rau thực phẩm, thanh long, chanh,… Trong năm 2014 và 2015, toàn tỉnh chuyển đổi 12.677,52 ha đất lúa sang cây trồng khác và bước đầu mang lại hiệu quả cao: Thanh long (4.011 ha), chanh (1.998 ha), bắp (936,05 ha), mè (1.744,37 ha), đậu phộng (22,92 ha), dưa hấu (264,7 ha), rau các loại (3.700,48 ha); lợi nhuận mang lại từ cây chanh 100 - 250 triệu đồng/ha/năm, cây thanh long 350 - 500 triệu đồng/ha/năm, bắp lai 8 - 12 triệu đồng/ha, bắp giống trên 25 triệu đồng/ha, rau các loại nông dân lãi trên 70 triệu đồng/ha.


 Nhiều cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao góp phần tăng thu nhập người dân nông thôn

Ông Trần Phước Đạo, ngụ ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc là thành viên của hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hiệp chia sẻ: “Từ khi gia đình chuyển đổi qua sản xuất rau, tôi thấy hiệu quả hơn rất nhiều so với cây lúa. Đặc biệt, tôi còn tham gia theo hướng sản xuất chung của HTX, sản xuất rau sạch, rau an toàn theo hướng VietGap, điều này giúp cho sản phẩm của mình có sức cạnh tranh cao. Sản phẩm của gia đình được HTX thu mua một phần và một phần bán cho thương lái cũng dễ dàng nên tôi rất yên tâm trong việc sản xuất. Gia đình tôi sản xuất khoảng 3 công rau màu, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi khoảng 200 triệu đồng. Tôi mới nghe giám đốc thông báo về việc HTX được chọn sản xuất ứng dụng công nghệ theo chủ trương của tỉnh, tôi cũng như các thành viên khác rất phấn khởi. Mình tham gia vào sẽ có những ràng buộc nhưng việc đó không quan trọng bằng việc tạo ra sản phẩm có chất lượng, thương hiệu riêng cũng như giá thành sẽ được bảo đảm.”


Trồng màu mang lại hiệu quả cao

Bên cạnh đó, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả đáng kể, trong năm vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp 19 doanh nghiệp triển khai thực hiện 63 lượt cánh đồng lớn trên cây lúa với diện tích ước 28.555,55 ha (tăng 8.555,5 ha, so với kế hoạch năm 2015). Trong đó giá thu mua cao hơn giá thị trường từ 100-150 đồng/kg, lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 3-5 triệu đồng/ha.

Tập trung thực hiện đề án

Sau thời gian thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kết quả bước đầu rất khả quan, nhiều cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao (chanh, thanh long, bắp, rau màu các loại, mè,…) góp phần tăng thu nhập người dân nông thôn tạo điều kiện quan trọng cho việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.


Nhiều cây trồng chuyển đổi giúp người dân có thu nhập ổn định

Để phát huy hiệu quả đạt được, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Lê Văn Hoàng nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các bộ phận chuyên môn, trong đó, tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư một số cây con thành vùng chuyên canh hàng hóa lớn, chủ lực và có lợi thế cạnh tranh; sử dụng tối ưu nguồn vốn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo lợi thế các vùng nông nghiệp sinh thái.

Bên cạnh đó, ngành tăng cường công tác xúc tiến thương mại, khảo sát đánh giá nhu cầu và yêu cầu của thị trường để có định hướng cho phù hợp. Hướng dẫn nông dân sản xuất gắn ghi chép nhật ký sản xuất để từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu mặt hàng nông sản tỉnh. Tuyên truyền nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, khuyến khích người dân tự nguyện tham gia dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn./.

Lê Huỳnh – Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích