Tiếng Việt | English

11/07/2016 - 16:29

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được (giữa) tại trang trại nuôi bò thịt Huy Long An

Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh là mục tiêu của Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Lê Văn Hoàng, “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án này dựa trên nền tảng phát huy các nguồn lực xã hội, trong đó, nguồn lực Nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi thông qua việc xây dựng mô hình sản xuất, chuyển giao khoa học và công nghệ, phát triển thị trường, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; tập trung chủ yếu vào một số vùng, lĩnh vực, loại cây, con thế mạnh của tỉnh và vào một số khâu quan trọng nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả và bền vững. Hiện nay, ngành nông nghiệp xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, được HĐND tỉnh thông qua và ngành đang tập trung triển khai thực hiện”.

Đề án lựa chọn 3 cây trồng, 1 vật nuôi để thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch); phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm: 20.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa cao sản xuất khẩu gần 46.000ha ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau tại 3 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ; hỗ trợ 1-2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao.

Một số nhóm giải pháp chính để thực hiện đề án: Tập trung triển khai công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ, tổ chức lại sản xuất; bảo đảm lộ trình đầu tư và đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh./.

Phòng QLCN&TTCN

Chia sẻ bài viết