Chú trọng tuyên truyền trong môi trường giáo dục
Hiện nay, tình hình vi phạm và TNGT xảy ra đối với đối tượng học sinh (HS), sinh viên còn cao. Để góp phần hạn chế tình trạng này, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) trong môi trường giáo dục ngày càng được chú trọng, quan tâm.
Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông (Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT), Công an tỉnh Long An), một tuyên truyền viên tiêu biểu trong lĩnh vực ATGT, nhất là đối với HS, sinh viên trên địa bàn tỉnh, thông tin: “Mỗi năm, Đội đều tham mưu Phòng CSGT, Ban Giám đốc Công an tỉnh kế hoạch tuyên truyền; phối hợp các cơ quan báo chí thực hiện những chuyên mục về giao thông, điển hình có chương trình Khởi hành của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An”.
Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa tại chương trình Khởi hành (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An)
Theo Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa, thời gian qua, nhiều trường học trong tỉnh phối hợp cơ quan CSGT thường xuyên tổ chức các buổi TTPBGDPL về TTATGT, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, các hình thức xử lý hành vi vi phạm TTATGT.
“Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT về tăng cường công tác TTPBGDPL về TTATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025. Thực tế, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như vi phạm tốc độ, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường,... mà hiện nay ở độ tuổi của HS còn xem phương tiện điều khiển là thứ để đùa giỡn khi tham gia giao thông, rất nguy hiểm” - Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết.
Bằng những giải pháp thiết thực và cụ thể, công tác bảo đảm ATGT tại các trường học có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đây, giúp HS nắm và chấp hành tốt, có văn hóa khi tham gia giao thông, hạn chế các vụ tai nạn xảy ra. Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ: “Đối với HS tiểu học, tôi sẽ hướng dẫn các kỹ năng cơ bản cho người đi bộ, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, những vi phạm liên quan đối với người đi xe đạp. Đối với HS THCS, THPT, tôi tuyên truyền quy định về đội mũ bảo hiểm, các biển báo hiệu, làn đường,...
Dù là ở độ tuổi nào, tôi cũng đều muốn hướng đến 2 nội dung chính là tuyên truyền để từng độ tuổi sẽ có mức độ am hiểu về pháp luật giao thông phù hợp và nâng cao về văn hóa khi tham gia giao thông như cứu giúp người bị tai nạn khi có thể; trong khi tham gia giao thông thực hiện đúng các kỹ năng theo quy định của pháp luật cũng như thái độ nhường nhịn khi tham gia giao thông,...".
Cách truyền đạt của Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa luôn sáng tạo, gần gũi và thân thiện với học sinh
Vừa qua, Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa có buổi tuyên truyền về ATGT cho gần 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên và trên 1.200 HS của Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (phường 3, TP.Tân An). Trước đó không lâu, anh cũng có buổi tuyên truyền tại Trường THPT Lê Quý Đôn (phường 4, TP.Tân An) cho trên 1.400 HS khối 10, 11 và 12 vào tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần. Với anh, khó khăn lớn nhất trong các buổi tuyên truyền là sự đón nhận của người nghe, khi tuyên truyền phải quan tâm sự tương tác của đối tượng tiếp nhận.
Theo em Đinh Lưu Gia Hân - HS lớp 11A5, Trường THPT Lê Quý Đôn, qua buổi tuyên truyền về ATGT của Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa, giúp HS rút ra được nhiều bài học như phải chấp hành các quy định về ATGT khi tham gia giao thông như không chạy xe phân khối lớn, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông,... “Cách truyền đạt của Trung tá Nghĩa rất dễ hiểu, dễ tiếp thu và anh cũng rất gần gũi, thoải mái chia sẻ với chúng em” - em Gia Hân nhận xét. Với những đóng góp trong công tác TTPBGDPL về TTATGT, nhiều năm qua, Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo đảm TTATGT.
Tuyên truyền đến tất cả người dân
Với trên 20 năm kinh nghiệm làm công tác TTPBGDPL về TTATGT, Trung tá Thái Văn Tiệp - Cán bộ Đội CSGT, Công an huyện Bến Lức, có nhiều nỗ lực góp phần giảm thiểu TNGT, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhất là có văn hóa là điều kiện tiên quyết.
Theo Trung tá Thái Văn Tiệp, kế hoạch tuyên truyền được thực hiện ngay từ đầu năm. Đối tượng tuyên truyền là tất cả người dân, không phân biệt đối tượng hay độ tuổi nhưng sẽ dựa vào đó để xây dựng đề cương cho phù hợp. Trung tá Thái Văn Tiệp cho biết: “Ở các cơ sở thờ tự, công ty, xí nghiệp, khu dân cư, trường học,... tôi đều đến tuyên truyền, người tham gia giao thông không phân biệt bất cứ ai, tuy nhiên, cần phải tập trung các quy định về Luật Giao thông đường bộ như cần có giấy phép lái xe, tốc độ lái xe phải đúng quy định,... Riêng đối với HS thì hướng dẫn các quy tắc tham gia giao thông, đi bên phải hoặc chấp hành theo tín hiệu đèn giao thông,...”.
Trung tá Thái Văn Tiệp (bìa phải) trong một buổi lễ ký kết chấp hành Luật An toàn giao thông đường bộ
Vừa qua, Công an huyện Bến Lức phối hợp Giáo xứ Lương Hòa Hạ (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) tổ chức Lễ ký kết kế hoạch phối hợp TTPBGDPL, vận động giáo dân tham gia bảo đảm TTATGT. Tại đây, Trung tá Thái Văn Tiệp phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ, mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, văn hóa khi tham gia giao thông, tổ chức cho giáo dân ký cam kết chấp hành pháp luật về ATGT.
Linh mục Nguyễn Thanh Xuân (Giáo xứ Lương Hòa Hạ) chia sẻ: “Trung tá Thái Văn Tiệp là tuyên truyền viên rất có tâm, hoạt bát. Anh không tuyên truyền theo kiểu máy móc mà tạo cho người nghe cảm giác thoải mái và gần gũi”. Linh mục cũng cho biết, toàn thể giáo dân sẽ luôn tích cực hưởng ứng phong trào Toàn dân bảo đảm TTATGT, mỗi giáo dân cần gương mẫu chấp hành pháp luật giao thông; đồng thời là một tuyên truyền viên, tích cực vận động người thân, bạn bè và những người xung quanh chấp hành pháp luật về TTATGT.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm công tác tuyên truyền, Trung tá Thái Văn Tiệp chia sẻ: “Để thu hút được người nghe, tuyên truyền viên cần có khả năng giao tiếp trước đám đông. Điều này phải đúc kết từ từ qua nhiều năm hình thành kinh nghiệm, tránh rập khuôn, máy móc mà phải có sự giao tiếp với nhau để có sự tương tác".
TTPBGDPL đóng vai trò rất quan trọng trong giảm thiểu TNGT. Trong đó, có sự đóng góp tích cực của các tuyên truyền viên tiêu biểu như Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa, Trung tá Thái Văn Tiệp. Việc tuyên truyền pháp luật và ATGT không chỉ dừng lại ở việc thông báo quy định, hình phạt mà còn bảo đảm rằng người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật giao thông, hình thành văn hóa giao thông an toàn, điều này mới thật sự quan trọng và cần thiết./.
Khánh Duy