“Người hùng” thầm lặng
“Rất nhiều BN khi đến điều trị tại BVĐKLA có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Có người lang thang, cơ nhỡ, đến điều trị rồi tử vong, nhà quá nghèo không đủ tiền lo hậu sự. Lại có người trên đường tìm mẹ, lâm bệnh nặng, tử vong tại đây, không người thân thích,... Để giúp đỡ những hoàn cảnh này, Phòng CTXH, BVĐKLA trở thành cầu nối san sẻ khó khăn với những BN nghèo. Mỗi trường hợp là một câu chuyện, song mỗi khi giúp đỡ được một người, một hoàn cảnh, những người làm CTXH chúng tôi lại cảm thấy ấm lòng...” - Trưởng phòng CTXH, BVĐKLA - Huỳnh Thị Hồng chia sẻ với chúng tôi như thế khi tôi có dịp trò chuyện cùng bà về nghề CTXH, cái nghề tuy cũ nhưng vẫn còn xa lạ với rất nhiều người.
Thông qua hoạt động xã hội, hàng trăm suất ăn miễn phí hàng ngày được các tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa Long An
Theo bà Hồng, nghề CTXH cũng như rất nhiều nghề khác, có lịch sử hình thành rất lâu đời nhưng ở nước ta, hầu như rất nhiều người còn mơ hồ khi nhắc đến cái nghề mang tên CTXH. Với riêng ngành Y tế Long An, đến nay, nghề CTXH được hình thành tròn 16 năm. Tháng 02/2002, hoạt động CTXH tại bệnh viện bắt đầu hình thành với tên gọi Y xã hội. Những ngày đầu hoạt động, Y xã hội đơn thuần chỉ là việc xem xét giảm viện phí cho BN nghèo hay phối hợp Trung tâm Truyền thông, Giáo dục sức khỏe huấn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giáo dục sức khỏe cho cán bộ, viên chức bệnh viện. Đến đầu tháng 12/2016, Phòng CTXH chính thức được thành lập. Rồi từ đó, những bếp ăn từ thiện, những hoạt động hỗ trợ BN cũng ngày một nhiều hơn. Phòng trở thành cầu nối giữa nhân viên y tế với thân nhân người bệnh, là chỗ dựa cả về vật chất, tinh thần cho các BN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Cứ đều đặn mỗi ngày, những người làm CTXH lại đi thăm từng khoa, thống kê những trường hợp BN có hoàn cảnh khó khăn để xin kinh phí hỗ trợ từ mạnh thường quân. Thầm lặng với công việc đầy ý nghĩa nhưng khi nhắc đến nghề, Trưởng phòng CTXH, BVĐKLA - Huỳnh Thị Hồng chỉ khẽ mỉm cười: “Có người không biết CTXH là làm gì, thậm chí có người không hiểu thì cho rằng, nghề CTXH có làm gì đâu. Nhưng anh em trong phòng chỉ biết động viên nhau, cùng chung sức chia sẻ khó khăn với BN nghèo. Mỗi nụ cười hay những giọt nước mắt của BN khi hay tin được hỗ trợ kinh phí điều trị, những phần quà nho nhỏ, những sự động viên tinh thần cho người bệnh trong lúc khó khăn chính là niềm an ủi, niềm động viên để chúng tôi tiếp tục con đường mình chọn”.
Những bức thư ngỏ gửi đến các tổ chức, cá nhân mạnh thường quân vẫn được cán bộ trong phòng gửi đi từng ngày, dòng kinh phí hỗ trợ lại đến với BN nghèo. Riêng từ năm 2017 đến nay, số tiền mạnh thường quân hỗ trợ BN thông qua phòng lên đến gần 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, mạnh thường quân cũng trực tiếp đến bệnh viện thăm và hỗ trợ BN với số tiền trên 100 triệu đồng. Hàng ngày, thông qua các hoạt động CTXH, các BN có hoàn cảnh khó khăn nhận được những suất ăn miễn phí từ hoạt động bếp ăn từ thiện của các tổ chức thiện nguyện đang hoạt động trong bệnh viện. Với những người bệnh, người làm CTXH như những “người hùng” thầm lặng mang đến cho họ niềm tin vào cuộc sống.
Những câu chuyện từ hoạt động CTXH
Trong suốt những năm tháng làm CTXH, bà Huỳnh Thị Hồng và những thành viên khác trong phòng chứng kiến vô vàn trường hợp BN nhập viện có hoàn cảnh khó khăn, mỗi trường hợp được hỗ trợ là một câu chuyện cảm động.
25 tuổi nhưng có đến 13 năm phải chạy thận nhân tạo, anh Huỳnh Phương Quốc Định, ngụ phường 7, TP.Tân An, có dáng người nhỏ thó, khuôn mặt già trước tuổi. Bất hạnh đến với Định khi mới vừa 2 tuổi, cha anh qua đời, học lên lớp 8, anh phát hiện mắc căn bệnh thận quái ác, việc học tập cũng gác lại từ đó. 2 năm nay, Định được điều trị chạy thận tại BVĐKLA, chi phí có giảm so với trước nhưng 13 năm qua, căn bệnh đã vắt kiệt kinh tế gia đình. Mẹ anh - bà Lê Thị Thu Hương cho biết, gia cảnh khó khăn, bao nhiêu tiền của đều dồn vào việc chữa trị cho con. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, những tháng qua, Phòng CTXH BVĐKLA luôn tranh thủ những khoản tiền hỗ trợ để chia sẻ khó khăn với gia đình Quốc Định.
Tử vong trên đường đi tìm mẹ là câu chuyện nhói lòng về hoàn cảnh thương tâm của một BN từng điều trị tại BVĐKLA. Bà Hồng nhớ lại, khoảng giữa năm 2016, bệnh viện tiếp nhận, cấp cứu một BN ngoài 20 tuổi, không có giấy tờ tùy thân, được mọi người đưa đến từ bến xe. Tất cả thông tin ban đầu chỉ biết được em đang đi trên chuyến xe buýt rồi ngất xỉu, được mọi người đưa vào bệnh viện. Trước hoàn cảnh thương tâm của em, những người làm CTXH tại bệnh viện ngược xuôi dò hỏi từng thông tin. Tuy nhiên, tất cả thông tin kiếm được đều mù mờ khi chỉ biết em là người miền Tây, ở trọ tại huyện Đức Hòa và đang trên đường đi tìm mẹ. Qua thăm khám, em mang trong mình bệnh tim không thể cứu chữa. “Một mặt, chúng tôi đến “gõ cửa” mạnh thường quân tìm kinh phí hỗ trợ, một mặt, tìm kiếm thông tin gia đình em. Nhập viện được vài ngày, em tử vong khi chưa thực hiện được ước nguyện cuối cùng. Trước hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi vận động lo hậu sự cho em, đồng thời đăng báo tìm người mẹ. “Ngày người mẹ tìm đến cũng là lúc chúng tôi thấy được niềm an ủi khi thực hiện được ước vọng cuối cùng của em” - bà Hồng chia sẻ.
Có lần, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân tên Cường, ngụ phường 1, TP.Tân An, đến điều trị, tuy nhiên được vài ngày, khi bệnh viện thông báo gia đình tạm ứng viện phí, BN và người nhà lẳng lặng bỏ về. Nhận được thông tin, bà Hồng trực tiếp tìm đến tận nhà tìm hiểu. Đến nơi mới biết hoàn cảnh của gia đình BN hết sức khó khăn. Do số tiền tạm ứng viện phí quá lớn với gia đình nên họ bàn nhau trốn viện. Cảm thông trước hoàn cảnh đó, bà và mọi người trong phòng trực tiếp làm các thủ tục miễn, giảm viện phí cho anh Cường, gửi thư ngỏ đến mạnh thường quân hỗ trợ BN và trích nguồn quỹ mua bảo hiểm y tế cho anh Cường để anh yên tâm điều trị.
Đó chỉ là 3 trong số hàng trăm trường hợp được hỗ trợ từ hoạt động CTXH tại BVĐKLA. Mỗi trường hợp đều có hoàn cảnh khác nhau nhưng thông qua cầu nối từ hoạt động CTXH giúp những người bệnh thêm niềm tin vào cuộc sống. Họ như những “người hùng” thầm lặng giữa đời thường./.
"Có người không biết CTXH là làm gì, thậm chí có người không hiểu thì cho rằng, nghề CTXH có làm gì đâu. Nhưng anh em trong phòng chỉ biết động viên nhau, cùng chung sức chia sẻ khó khăn với BN nghèo. Mỗi nụ cười hay những giọt nước mắt của BN khi hay tin được hỗ trợ kinh phí điều trị, những phần quà nho nhỏ, những sự động viên tinh thần cho người bệnh trong lúc khó khăn chính là niềm an ủi, niềm động viên để chúng tôi tiếp tục con đường mình chọn".
Trưởng phòng CTXH, BVĐKLA - Huỳnh Thị Hồng
|
Kiên Định