Tiếng Việt | English

16/03/2017 - 12:23

Nỗi đau mang tên da cam - Bài 2: Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh ấy, thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tỉnh Long An tích cực vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Các cấp, các ngành thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam và gia đình nạn nhân

Năm 2016, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân.

Cụ thể, hội hỗ trợ xây dựng 8 căn nhà tình thương với số tiền gần 300 triệu đồng; sửa chữa 4 căn nhà, với số tiền gần 100 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất cho 6 hộ với tổng số tiền trên 50 triệu đồng; hỗ trợ khám, chữa bệnh cho 440 đối tượng với số tiền trên 20 triệu đồng,...

"Đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh ấy, thời gian qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh tích cực vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam."

Là gia đình có nhiều người bị nhiễm CĐDC, chị Huỳnh Thanh Thủy (ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) cho biết: “Ba và 2 chị tôi tham gia kháng chiến và trực tiếp bị nhiễm CĐDC. Ba mẹ tôi sinh được 11 người con, trong đó, tôi là người trực tiếp nhiễm CĐDC từ ba. Lúc mới sinh ra, tôi bị bệnh cột sống và thường xuyên đau ốm. Khi lớn lên, tôi lập gia đình và sinh được 4 người con, trong đó, cháu Nguyễn Hữu Triều tiếp tục bị nhiễm CĐDC. Gia đình thường xuyên được chính quyền địa phương quan tâm, giúp tôi giảm bớt gánh nặng”.

Chị Huỳnh Thanh Thủy, ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh (thứ 2, trái qua) vui vẻ chia sẻ về sự quan tâm của các cấp, các ngành trong thời gian qua

Năm 2016, huyện Thạnh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chăm sóc gia đình nạn nhân và các nạn nhân nhiễm CĐDC/dioxin.

Hiện nay, toàn huyện có 415 người nghi nhiễm CĐDC/dioxin, trong đó có 46 người được hưởng chính sách là người trực tiếp tham gia kháng chiến hoặc con của người tham gia kháng chiến; 342 người hưởng các chế độ bảo trợ xã hội như dị tật, bại não, teo cơ, câm, điếc,...

Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Thạnh Hóa - Bùi Thị Dung cho biết: “Hầu hết các đối tượng bị nhiễm CĐDC/dioxin hoặc nghi nhiễm đều được quan tâm chăm sóc đặc biệt. Ngoài quan tâm đời sống tinh thần của các nạn nhân, hội còn trao cho nạn nhân và gia đình nạn nhân “chiếc cần câu” thay vì “con cá” như hỗ trợ bò giống cho các nạn nhân,... Từ đó, các nạn nhân và gia đình nạn nhân có điều kiện phát triển sản xuất”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diêm, ở ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa cho biết: “Cha tôi là ông Nguyễn Văn Diệm từng tham gia cách mạng. Tuy nhiên, tôi và các anh em trong gia đình không bị nhiễm CĐDC/dioxin. Thế nhưng, tôi lập gia đình và sinh được một cháu thì cháu bị bệnh. Với số tiền dành dụm được, tôi lo thuốc men cho con, từ đó kinh tế gia đình càng lâm vào cảnh túng thiếu. Biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hội Nạn nhân CĐDC huyện hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà tình thương và hỗ trợ vốn chăn nuôi. Hiện nay, gia đình tôi có việc làm ổn định”.

Nỗi đau mang tên da cam- Bài 1: Thảm họa da cam

Nỗi đau mang tên da cam- Bài 1: Thảm họa da cam 

Cập Nhật 15-03-2017

Nhắc đến nạn nhân chất độc da cam, không ai không khỏi xót xa về hậu quả mà họ phải gánh chịu. Có người dị tật, khiếm khuyết, có người bị ảnh hưởng trí não và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Thời gian tới, nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh - Lê Thị Thu Hồng chia sẻ: “Hội tích cực vận động các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình nạn nhân nghèo đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, hội tập trung chăm sóc những nạn nhân nghèo ở vùng sâu, vùng xa và biên giới, trong đó, tập trung xây nhà, hỗ trợ vốn để các nạn nhân có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Đồng thời, hội tiếp tục tham gia cùng các ngành chức năng giải quyết những trường hợp vướng mắc, tồn đọng về hồ sơ, thủ tục và thực hiện chính sách đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học,...”.

Hy vọng với sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, mạnh thường quân, nhà hảo tâm sẽ góp phần chia sẻ những khó khăn mà các nạn nhân nhiễm CĐDC đang hàng ngày, hàng giờ phải gánh chịu./.

Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC xã Tân Phú, huyện Đức Hòa - Lâm Văn A: Dù hưởng bao nhiêu chế độ, chính sách thì cũng không thể bù đắp được những thiệt thòi của nạn nhân CĐDC. Do đó, chính quyền địa phương rất quan tâm và chú trọng công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC bằng cách tìm hiểu hoàn cảnh sống, nhu cầu của từng hội viên, từ đó chọn cách hỗ trợ phù hợp. Những gia đình có khả năng phát triển kinh tế thì đề nghị cho mượn vốn. Những gia đình nạn nhân già yếu, neo đơn thì thường xuyên thăm hỏi, tặng quà và chăm sóc sức khỏe,... Nhờ vậy, đời sống hội viên ổn định hơn.

Ngọc Thạch - Nhã Lam

(còn tiếp)...
Bài 3:  Vượt qua nỗi đau

 

Chia sẻ bài viết