Tiếng Việt | English

15/03/2017 - 09:55

Nỗi đau mang tên da cam- Bài 1: Thảm họa da cam

Nhắc đến nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), không ai không khỏi xót xa về hậu quả mà họ phải gánh chịu. Có người dị tật, khiếm khuyết, có người bị ảnh hưởng trí não và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đó là vết thương dù không chảy máu nhưng nó dai dẳng và là nỗi ám ảnh của nhiều người.

Bà Trần Thị Ngọc Hà tập cho con gái đi bằng gậy

Hiện, toàn tỉnh có 4.474 hội viên Hội Nạn nhân CĐDC, trong đó, 1.525 nạn nhân CĐDC được hưởng chế độ, chính sách hàng tháng. Ngoài các chính sách với nạn nhân CĐDC, xã hội còn quan tâm, thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho họ và gia đình họ phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau họ đang gánh chịu.

Đến thăm một gia đình nạn nhân CĐDC ở thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, chúng tôi không khỏi nghẹn ngào trước sự hồn nhiên, vô tư như đứa trẻ của chị Nguyễn Thị Trang Bích Liễu. Năm nay, chị Liễu bước sang tuổi 35 nhưng mang tâm hồn của một em bé lứa tuổi mầm non. Tay và chân chị rất yếu khiến việc đi lại, cầm nắm khó khăn. Mọi sinh hoạt của chị Liễu đều do một tay mẹ chị - bà Trần Thị Ngọc Hà, 73 tuổi chăm lo.

Được biết, bà Hà và chồng cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ nên cả hai vợ chồng đều bị nhiễm CĐDC. Gia đình bà Hà có 5 người con, trong đó, 4 người may mắn không bị nhiễm CĐDC, chỉ có chị Liễu - người con út thì không may gánh chịu hậu quả chiến tranh. Chồng bà Hà bị bệnh ung thư và qua đời. Bà thì bị căn bệnh thoát vị đĩa đệm, bệnh về tim, thận, huyết áp,... hành hạ. Dù vậy, bà vẫn dành phần lớn thời gian chăm lo cho đứa con gái út. “Thương con, vừa sinh ra phải chịu thiệt thòi và mãi mãi không thể nào trưởng thành được. Tôi mong có đủ sức khỏe để lo cho con và mong Nhà nước quan tâm, chăm sóc những trường hợp như con tôi” - bà Hà tâm sự.

Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Hà là gia đình bà N.T.Q, 58 tuổi, ngụ ấp Bình Thạnh 1, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành. Chồng bà Q. tham gia kháng chiến nên bị nhiễm CĐDC. Hậu quả, đứa con trai út cũng bị nhiễm khi vừa chào đời. Mặc dù nhận được sự quan tâm của địa phương nhưng những khó khăn của gia đình có nạn nhân CĐDC thì chỉ người trong cuộc mới hiểu hết. Hiểu rõ sự thiệt thòi của em út, 2 người con trai lớn của bà Q. cũng hết lòng thương yêu, chăm sóc em mình. Bà Q. tâm sự: “Giờ, tôi còn khỏe mạnh, còn lo được cho con. Chỉ sợ lúc mình không còn đủ sức khỏe, không biết con sẽ sống ra sao?”.

Chất độc da cam tước quyền chọn lựa cuộc sống của con người khi vừa được sinh ra

Những người bị nhiễm CĐDC phần lớn đều sống phụ thuộc vào gia đình. Nỗi lo chung của các bậc làm cha, làm mẹ là khi họ già yếu, ai sẽ lo cho con họ và những nạn nhân CĐDC phải sống thế nào?

Ngọc Thạch - Nhã Lam

(còn tiếp)...

Bài 2: Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

 

Chia sẻ bài viết