Tiếng Việt | English

30/03/2016 - 08:50

Nông dân Hậu Giang “gặt hái” lớn từ chanh không hạt

Với mô hình trồng chanh không hạt hiệu quả cao thích ứng với hạn, mặn, nông dân Hậu Giang cải thiện đáng kể nguồn thu nhập.

Thời gian gần đây, khi hạn mặn diễn ra gay gắt tại ĐBSCL khiến việc canh tác lúa gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương trong vùng mới tính chuyện chuyển đổi cơ câu cây trồng để thích nghi với biến đổi khí hậu.

Thật ra, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được nhiều nông dân nơi đây thực hiện từ lâu tại các vùng trồng lúa kém hiệu quả và việc chuyển đổi này đã mang lại cho họ mức thu nhập cao gấp nhiều lân so với trồng lúa.

Ông Tô Chí Thâm thu hoạch chanh không hạt

Ông Tô Chí Thâm, ngụ ấp Phú Quới xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước cho biết: Trước đây ông có 6 ngàn mét vuông đất trồng lúa, rồi sau đó trồng nhãn nhưng cho thu nhập rất bấp bênh. Cách nay 6 năm ông phá bỏ vườn nhãn, chuyển qua trồng chanh không hạt. Kể từ khi chanh cho trái đến nay, mỗi năm ông thu về hàng trăm triệu đồng.

Không riêng gì ông Tô Chí Thâm, mà hơn 80 xã viên trong Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước đều có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng mỗi năm từ cây chanh không hạt. Mức thu nhập này cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa trước đây.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước cho biết: Cách nay hơn 10 năm, ông là người đầu tiên đem cây chanh không hạt về vùng đất này trồng. Thấy cây thích nghi với thổ nhưỡng nơi đây, lại mau cho trái nên ông nhân giống cung cấp cho người dân trong vùng cùng trồng, sau đó đứng ra thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và hình thành qui trình khép kín: Từ sản xuất đến thu mua rồi tiêu thụ chanh không hạt. Nếu trước đây chanh không hạt chỉ tiêu thụ trong nước thì giờ đây đã xuất khẩu sang nhiều nước với số lượng lớn.

Chanh không hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao

Theo ông Lê Văn Đời - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ các hộ dân nơi đây áp dụng mô hình trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã tiến hành các bước để cách nay gần 3 năm, Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang". Đây là những yếu tố để trái chanh không hạt ở vùng đất này đứng vững trên thị trường trong, ngoài nước.

Hiện huyện Châu Thành có gần 800 ha trồng chanh không hạt. Mỗi ngày nơi đây có hơn 40 tấn chanh được Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước và các đầu mối khác thu mua đưa đi tiêu thụ tại các chợ, siêu thị và xuất khẩu, tuy nhiên nguồn cung vẫn không đủ, ông Lê Văn Đời cho biết.

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản trong nước đang thừa hàng, ế chợ thì trái chanh không hạt tại tỉnh Hậu Giang mang lại niềm vui cho nhiều hộ nông dân nơi đây. Với đầu ra sản phẩm khá ổn định, giá cả đôi lúc tăng cao đột biến nên chanh không hạt hiện nay được xem là cây trồng triển vọng đối với nhiều nhà vườn ở khắp các địa phương trong tỉnh.

Từ cây chanh không hạt ở Hậu Giang cho thấy, trong tình hình biến đối khí hậu như hiện nay nhiều nông dân ở ĐBSCL đang tính chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp. Thiết nghĩ, để việc chuyển đổi thành công thì cần phải gắn sản xuất với thị trường, tức là ngoài việc xác định trồng cây gì, nuôi còn gì thì cũng cần phải tính sau khi thu hoạch mặt hàng mình nuôi, mình trồng sẽ bán ở đâu./. 

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Chia sẻ bài viết