Tiếng Việt | English

03/01/2021 - 14:45

Nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả cao

Tận dụng lợi thế vùng sản xuất nông nghiệp, nông dân các huyện: Đức Huệ, Đức Hòa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng,... tỉnh Long An chuyển sang nuôi bò vỗ béo ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) mang lại hiệu quả.

Cánh đồng cỏ ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa

Cánh đồng cỏ ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa

Nhiều hộ nông dân sau thời gian tìm hiểu mô hình nuôi bò vỗ béo đã quyết định đầu tư trang trại với quy mô nuôi 10-30 con bò. Hiện giá bò thịt 3b từ 30-40 triệu đồng/con, bò cóc 7-9 triệu đồng/con. Tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ, nông dân chủ yếu vỗ béo bò 3b, bò Thái; còn nông dân huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng chủ yếu vỗ béo bò cóc có nguồn gốc từ Campuchia. Chỉ sau 2-3 tháng, nông dân có thể xuất bán bò cho thương lái.

Thông tin từ Hội Nông dân huyện Đức Huệ, hiện trên địa bàn có nhiều hộ nông dân sau 2 tháng nuôi bò vỗ béo đã có lời khoảng 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Ninh - chủ một trang trại bò (30 con), cho biết: “Thời gian qua, giá bò ổn định nên lợi nhuận cao, nhiều nông dân vì thế chuyển sang nuôi bò vỗ béo. Nông dân thường mua bò giống 3b (khoảng 20 tháng tuổi trở lên) từ các tỉnh miền Tây và Campuchia về vỗ béo. Sau khi vỗ béo khoảng 60 ngày, nông dân bán bò cho thương lái”.

Năm 2019, ông Trần Văn Tịnh, ngụ xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa đầu tư trại nuôi hơn 30 con bò vỗ béo theo hướng ƯDCNC. “Qua thời gian nuôi bò vỗ béo, tôi nhận thấy hiệu quả cao hơn nuôi bò theo kiểu truyền thống. Thời gian tới, tôi tiếp tục tăng đàn bò để có kiếm lợi nhuận tốt hơn” - ông Tịnh chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Ngô Thanh Tuyền thông tin: “Thời gian qua, nuôi bò vỗ béo là một trong những mô hình chăn nuôi phát huy hiệu quả, mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững”.

Năm 2016, tỉnh triển khai Đề án Xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ƯDCNC ở 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ nhằm nâng chất đàn bò thịt của tỉnh. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Đến nay, trên địa bàn 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ có trên 7.100 con bò có chất lượng cao bằng công nghệ giống. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp các địa phương thực hiện đề án theo đúng kế hoạch; trong đó, tập trung củng cố, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới”.

Tại huyện Đức Hòa, đến nay đã thành lập được 4 mô hình điểm chăn nuôi bò thịt theo hướng chất lượng cao tại các xã: Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông, Mỹ Thạnh Bắc, Bình Hòa Bắc; 12 tổ hợp tác với gần 170 thành viên và 1 Hợp tác xã Tây Hòa. Ngoài ra, địa phương còn xây dựng gần 60 mô hình trồng cỏ cao sản làm thức ăn cho bò với diện tích gần 9ha.

Nhân công trong trại nuôi bò của bà Võ Thị Hà (Tân Trụ) trộn thức ăn cho bò

Nhân công trong trại nuôi bò của bà Võ Thị Hà (Tân Trụ) trộn thức ăn cho bò

Theo Công ty (Cty) Cổ phần Thanh Nhân Food (huyện Tân Trụ) - doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm bò thịt, mỗi ngày, Cty cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn thịt bò tươi. Hiện Cty sẵn sàng liên kết với Hợp tác xã Chăn nuôi bò thịt xã Hòa Khánh Đông (Đức Hòa) cũng như các hộ chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ sản phẩm bò thịt.

Tại khu sản xuất nông nghiệp ƯDCNC rộng trên 1.000ha (xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa) có trang trại nuôi bò thịt, sản xuất bò giống chất lượng cao nhập từ Úc và Mỹ. Ngoài việc cung cấp giống bảo đảm chất lượng, khu trang trại này còn tận dụng nguồn phân bò để sản xuất phân bón hữu cơ và xây dựng vùng cỏ nguyên liệu ƯDCNC để sản xuất thức ăn cho bò rất ổn định. Trang trại ứng dụng cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất ở hầu hết các khâu trong chăn nuôi.

Theo giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM - Nguyễn Kiên Cường, điều kiện quan trọng nhất để thành công trong chăn nuôi bò thịt là quỹ đất. Đất rộng sẽ đáp ứng việc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, làm chuồng trại cũng như quy mô tổng đàn. Hiện nay, nhu cầu bò thịt trên thị trường rất lớn. Nông dân nên chọn 4 loại giống bò: Red Angus, Charolais, BBB (Blanc Bleu Belge), Droughtmaster để chăn nuôi, bởi qua nghiên cứu thực tế, các loại giống này phù hợp với nhiều địa phương, trong đó có Long An./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết